Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, tín dụng tiêu dùng vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" nếu các doanh nghiệp có những sản phẩm mới "may đo" phù hợp với nhu cầu thị trường.
Khi nền kinh tế phục hồi, tín dụng tiêu dùng vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" nếu các doanh nghiệp có những sản phẩm mới "may đo" phù hợp với nhu cầu thị trường (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi toạ đàm trực tuyến "Làm gì để thúc đẩy cho vay cá nhân hậu Covid-19?" được tổ chức ngày 20/5. Các chuyên gia đánh giá, thị trường nội địa của Việt Nam rất lớn và tiềm năng. Tiêu dùng cá nhân rất lớn, tương đương 80% GDP. Do đó, nếu có biện pháp kích cầu trong nước, bao gồm cả tiêu dùng nội địa thì khả năng tăng trưởng nhanh hơn.
Nhu cầu vốn tăng sau dịch
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trở lại và sẽ tăng lên trong thời gian tới. Nhu cầu này tương đối lớn vì phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với khu vực.
Để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế, bên cạnh những hỗ trợ từ Chính phủ cần phải có nguồn vốn đủ cho các doanh nghiệp, người dân tái sản xuất.
Ngành ngân hàng cam kết đủ vốn cho các doanh nghiệp vay và sẽ còn giảm lãi suất sâu hơn nữa. Tuy nhiên, đi kèm với đó, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng luôn khẳng định không hạ chuẩn cho vay. Với khẳng định như vậy, những doanh nghiệp, người dân có nợ xấu, bị hạ điểm tín dụng sẽ không thể tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, làm dấy lên nỗi lo "tín dụng đen" bùng phát.
Theo Ts. Cấn Văn Lực, ngân hàng sẵn sàng cho người dân vay vốn, nhưng người đi vay phải biết vay để làm gì, khả năng cân đối trả nợ như thế nào? Chuyên gia này khuyến cáo các cá nhân đi vay ngân hàng không nên vay quá 50% thu nhập của mình, nếu không sẽ dẫn đến quá tải khi trả nợ.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người tiêu dùng vay vốn ở các ngân hàng còn rất thấp so với nhu cầu bởi những yêu cầu khắt khe về hồ sơ vay vốn. Trong khi đó, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ngày càng tăng. Các chuyên gia khẳng định, vay tiêu dùng đang là "thời điểm vàng" để các công ty tài chính tiêu dùng phát triển.
Thế nhưng, để nắm bắt được cơ hội này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, nhấn mạnh đến việc phải tạo ra sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.
Công ty tài chính muốn cho vay nhiều thì phải có thủ tục nhanh chóng, đơn giản, dễ dàng, có phần mềm, chuyên gia để tập hợp dữ liệu, chấm điểm tiêu chí khách hàng phù hợp, an toàn nhất, còn tuyệt đối thì không vì lĩnh vực này có rủi ro rất lớn. Nếu ngồi chờ khách hàng tìm đến như ngân hàng thì khó cho vay được.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tạo ra nhiều sản phẩm, chương trình. Đặc biệt, cần liên kết với các nhà cung ứng, bán hàng. Khi vay tiêu dùng, khách hàng rất hạn chế mang tiền về rồi tiêu pha không rõ ràng. Do đó, cần có sự liên kết với nhà phân phối để có thể hỗ trợ nhau quản lý.
Doanh nghiệp cần làm gì?
TS. Cấn Văn Lực lưu ý, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp và công ty tài chính đã đến lúc rà soát lại chiến lược kinh doanh của mình. "Các công ty tài chính phải quan tâm hơn đến phát triển nền tảng công nghệ. Nhiều công ty hiện vẫn còn quản lý thủ công, tốn kém, dẫn đến buộc phải đẩy lãi suất cao lên", ông Lực nói.
Ngoài ra, công ty tài chính tiêu dùng cần cân đối giữa rủi ro và lãi suất. Không mặc định tín dụng tiêu dùng thì lãi suất phải cao. Nếu quản lý hiệu quả, giảm được các gánh nặng trong vận hành thì vẫn đưa ra được mức lãi suất hợp lý cho người dân, tăng mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Về khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở Việt Nam hậu Covid-19, theo ông Lực, tín dụng tiêu dùng còn nhiều tiềm năng, nhưng còn phụ thuộc vào quan điểm của Nhà nước về vấn đề này. Nhà nước nên cởi mở hơn với các mô hình tín dụng mới nhưng có kiểm soát. Với kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả tín dụng số cũng phải như vậy.
Cụ thể, cần có khung pháp lý để kiểm soát ngay từ đầu. Hai là để tự do phát triển một thời gian, sau đó sẽ điều chỉnh vào khuôn khổ. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng hình thức đầu: cho hoạt động thí điểm trong khuôn khổ khung pháp lý, là cách thức tiếp cận cởi mở và phù hợp.
"Việt Nam đang trong một xu thế quan trọng: Kinh tế số, các mô hình kinh doanh số có đà phát triển cực mạnh sau đại dịch. Chúng ta không thể đi chệch thời đại", ông Lực nói.
Dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu luật, ông Trương Thanh Đức cũng nhìn nhận: "Cơ hội phát triển cho tín dụng tiêu dùng từ khung pháp lý. Với quy định hiện nay như Thông tư 43 thì hợp lý nhưng các tổ chức tín dụng vẫn mong muốn được rộng rãi, xênh xang hơn nữa. Nhưng có hai mặt của vấn đề, khi thị trường phát triển nóng, nhu cầu người dân lớn mà quản lý không chặt dẫn đến rủi ro cho bản thân doanh nghiệp và cả hệ thống ngân hàng".
Hiện nay, số lượng tổ chức cho vay tín dụng tiêu dùng chính thức chưa nhiều, dẫn đến ít cạnh tranh. "Tín dụng đen" lúc này là điều tất yếu vì tín dụng tiêu dùng chính thức không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Cần phải phát triển thêm các tổ chức tín dụng cả về số lượng và mô hình. Để được như thế cần phải khuyến khích về cơ chế, về thị trường để nhiều đơn vị tham gia.
Theo Thanh Hoa/Thời báo Kinh doanh