Thanh toán điện tử là xu thế
Thanh toán điện tử đang là xu thế mua sắm trên toàn thế giới và Việt Nam. Phương thức này được dự đoán sẽ thay thế phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt. Trong những năm gần đây, người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị, trung tâm thương mại có xu hướng thanh toán bằng thẻ ngân hàng, ví điện tử thay cho tiền mặt.
Nhiều người lựa chọn thanh toán online thay cho tiền mặt. |
Theo khảo sát của Visa, trong bối cảnh dịch Covid-19, người tiêu dùng Việt Nam đang dần ưu tiên lựa chọn sử dụng ví điện tử cũng như thanh toán không tiếp xúc và thanh toán bằng mã QR. Khảo sát cũng cho thấy 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch.
Giai đoạn bùng nổ thanh toán điện tử
Số liệu từ Appota cho biết, với đại dịch Covid-19 và sự thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của Chính phủ, trong năm 2020 các ví điện tử đứng đầu tại Việt Nam đã thu hút lượng người dùng gia tăng mạnh mẽ. Báo cáo dẫn ví dụ tháng 9/2020, ví Momo công bố đạt 20 triệu người dùng cá nhân, trở thành ví điện tử có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam.
Ngay sau đó trong báo cáo Economy SEA 2020 của Google cho biết startup thanh toán VNPay đã được định giá trên 1 tỉ đô la Mỹ, VNPay được công nhận ví điện tử lớn thứ hai tại Việt Nam. So sánh lượt tải giữa ba thương hiệu ví điện tử dẫn đầu Việt Nam, báo cáo của Appota cho biết, Momo giữ vị trí ví điện tử được tải nhiều nhất. Trong đó, đỉnh điểm là tháng 2 và tháng 3/2020, Momo đã có số lượt tải lần lượt đạt 992.000 và 839.000.
Bùng nổ thị trường thanh toán online. |
ViettelPay và ZaloPay có sự cạnh tranh gay gắt khi ZaloPay bứt phá mạnh trong quý cuối cùng của năm 2020 với mức tăng trưởng mạnh về lượt tải. Tuy nhiên, tính đến tháng 2/2021 thì lượt tải của ZaloPay đã vượt qua ViettelPay. Chính sự sôi động của ví điện tử đã làm cho thị trường thanh toán hấp dẫn nhất trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Năm 2020 có 121 startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam thì lĩnh vực thanh toán điện tử có số lượng lớn nhất, chiếm 31%. Cao gấp hai lần so với lĩnh vực P2P lending (cho vay ngang hàng) với 16%.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng thừa nhận: Một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua là sự nổi lên của ví điện tử. “Dù giá trị giao dịch chưa bằng ngân hàng, song số giao dịch qua ví điện tử đã gần tương đương giao dịch ngân hàng”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Theo thống kê, số lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh trong mấy năm gần đây, nhất là từ khi xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần/tuần.
Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong 3-5 năm tới sẽ phát triển rất mạnh. Trong đó ví điện tử sẽ là dịch vụ mũi nhọn giúp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp cận và chiếm lĩnh được tới thị phần rộng lớn còn lại trong bức tranh thanh toán trực tuyến ở Việt Nam.
Theo VietQ