Thu hút đối tác nước ngoài trong mua bán, xử lý nợ tại thị trường Việt Nam

NHVN 09:42 22/07/2021

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng nợ xấu có xu hướng tăng. Việc thu hút đối tác nước ngoài tham gia vào quá trình mua bán nợ ở VN được xem là giải pháp cần thiết.

Nợ xấu ngày càng gia tăng

Năm 2021 dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN về sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 (có hiệu lực ngày 17/5/2021). Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch và không vượt quá 12 tháng.

Tuy nhiên, chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: Các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2021; khách hàng không có khả năng trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Dương Thanh Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nhận định, áp lực nợ xấu trong năm 2021 là rất lớn do hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, con số nợ xấu hiện nay của các ngân hàng chưa phản ánh hết được thực tế do khá nhiều khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN về bản chất đã là nợ xấu.

Trong khi đó, nhiều ý kiến chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng tình hình nợ xấu sẽ diễn biến xấu đi trong năm 2021. Cụ thể, một sốrủirotíndụngvẫncóthểbịtrì hoãn trong ghi nhận do các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ thể hiện qua Thông tư số 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước.

Bản thân các ngân hàng cũng tỏ ra rất thận trọng với áp lực nợ xấu và đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để ứng phó thông qua việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Việc các ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho thấy các ngân hàng đang rất thận trọng với nợ xấu và việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ giúp các ngân hàng chủ động ứng phó với rủi ro tín dụng trong tương lai.

Hiện nay tại Việt Nam thị trường mua bán nợ đã được hình thành. Từ khi Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh các dịch vụ mua bán nợ như môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ, hoạt động mua bán nợ, sàn giao dịch nợ và chính sách quản lý của nhà nước với hoạt động mua bán nợ ban hành ngày 1/7/20216 đã có gần 150 doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ xấu được thành lập nhưng quy mô đều rất nhỏ; một số ngân hàng thương mại thành lập AMC để tự xử lý nợ.

Tuy nhiên theo ông Dương Thanh Hiền, tỷ trọng nợ trong nền kinh tế được xử lý còn quá nhỏ so với tổng dư nợ của Việt Nam. Điều đó đòi hỏi giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài tham gia mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam.

Xem xét hợp tác với nước ngoài

Theo Luật Đầu tư ban hành năm 2020 có hiệu lực từ năm 2021, mua bán nợ thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều kiện để thực hiện mua bán xử lý nợ được nêu rõ trong Nghị định số 69/2016/ NĐ-CP.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện mua bán, xử lý nợ theo 3 hình thức: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BBC.

Tại Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực mua bán, xử lý nợ do DATC tổ chức mới đây với sự tham gia của Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc KAMCO, Công ty luật Lee&Ko, Công ty đầu tư Rainbow Capital Partners, ông Dương Thanh Hiền cho biết, trong quá khứ, DATC đã cùng Daishin F&I Co., LTD và Clearwater Capital Partner Fun II hợp tác theo hình thức hợp đồng BCC để thực hiện mua, xử lý nợ tái cơ cấu tại Công ty TNHH Công nghiệp TS- ARI (Hàn Quốc).

Cụ thể, DATC đã cùng Daishin F&I Co., LTD và Clearwater Capital Partner Fun II hợp tác ký kết hợp đồng BCC, góp vốn (trong đó DATC là đại diện theo pháp luật của 3 bên thực hiện đàm phán mua bán nợ phải thu tại TS-ARI). Sau đó, DATC cùng 2 bên xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ tái cơ cấu, DATC đàm phán với toàn bộ các chủ nợ liên quan để thực hiện phương án tái cơ cấu và bước cuối cùng, hoàn thành phương án, thanh lý Hợp đồng BCC.

Tuy nhiên, theo ông Dương Thanh Hiền, Phó Tổng giám đốc DATC, hiện nay có nhiều khó khăn, bất cập trong đầu tư nước ngoài. Đó là hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. Sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc xử lý nợ xấu đôi khi còn chưa đồng bộ và thống nhất. Hình thức đầu tư mua bán xử lý nợ tại Việt Nam chưa được linh hoạt.

“Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện, thành lập Hiệp hội các AMC nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm)... Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia thị trường mua bán nợ (tăng quyền của chủ nợ)”, ông Hiền kiến nghị.

Ông Han Sol Jang, Quản lý cấp cao của KAMCO cho rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực cân bằng trên cả hai lĩnh vực: cải thiện khuôn khổ pháp lý và phát triển thị trường nợ xấu đầy hứa hẹn với sự dẫn dắt của 2 cơ quan công quyền mạnh là DATC và VAMC.

KAMCO cũng nêu rõ ý muốn hợp tác với DATC thực hiện mua bán, xử lý nợ tại thị trường Việt Nam. Trong đó đề xuất hợp tác 2 bên với những nội dung như hệ thống pháp luật thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài; tiếp thu các kỹ thuật quản lý tài sản và kỹ thuật tái cấu trúc khác nhau từ các nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng nhà đầu tư mua nợ xấu tiềm năng. Xây dựng một thị trường nợ xấu đáng tin cậy công bằng về thủ tục và minh bạch trong việc mua bán nợ xấu là một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng thành công thị trường nợ xấu và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế...

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-hut-doi-tac-nuoc-ngoai-trong-mua-ban-xu-ly-no-tai-thi-truong-viet-nam-d22697.html

Bạn đang đọc bài viết Thu hút đối tác nước ngoài trong mua bán, xử lý nợ tại thị trường Việt Nam tại chuyên mục Dịch vụ tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dịch vụ tài chính