Ma trận thủ tục
Tháng 1/2019, chị T làm hợp đồng mua một căn hộ tại một dự án chung cư ở quận Tây Hồ (Hà Nội) với giá trị 8,6 tỷ đồng, trong đó phần trả trước là 8 tỷ đồng. Trong phần trả trước, chị T phải trả cho chủ đầu tư 2,5 tỷ đồng, 5,5 tỷ đồng còn lại được vay từ Ngân hàng VPBank theo một thỏa thuận mang tính ba bên.
Để hỗ trợ khách hàng, chủ đầu tư ưu đãi cho chị T 30 tháng lãi suất ngân hàng tính từ thời điểm ký hợp đồng.
Rắc rối phát sinh khi chị T tiến hành chuyển nhượng lại căn hộ này cho chị A vào tháng 4/2020. Để thực hiện việc chuyển nhượng, chủ đầu tư đồng ý để chị A tiếp tục quyền lợi và nghĩa vụ của chị T trong hợp đồng mua căn hộ trước đây, bao gồm quyền vay vốn ngân hàng.
Bên bán và bên mua hiểu với nhau rằng việc tiếp nối trách nhiệm và quyền lợi đối với hợp đồng tín dụng là bình thường, nhất là khi chủ đầu tư hoàn toàn đồng ý với việc này và hỗ trợ hết sức trong các thủ tục liên quan.
Nhưng phía VPBank thì không như vậy.
Đầu tiên, ngân hàng yêu cầu chị T phải đóng 40 triệu tiền phí tất toán sớm khoản vay. Khoản tiền này chị T đã không có ý kiến gì.
Tuy nhiên, ngân hàng VPBank đã yêu cầu các bên phải trả lãi cho khoảng thời gian “để hoàn tất thủ tục hợp đồng” và từ đây, “quả đắng” bắt đầu được ném về phía khách hàng.
Bằng một ma trận thủ tục, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tạo ra một tiến trình tất toán một hợp đồng vay nợ đầy phức tạp đối với một khách hàng cá nhân để trục lợi. |
34 ngày để hoàn tất một thủ tục
Tổng cộng thời gian để các bên “hoàn tất thủ tục hợp đồng” đã kéo dài từ ngày 15/4 đến ngày 19/5, tức là 34 ngày bao gồm ngày nghỉ. Thời gian này, chị T phải trả “lãi ngày” cho khoản vay trước đây, tổng cộng số tiền phải trả từ 15/4 đến 15/5 là 43.140.000 đồng (chưa tính từ 16/5-19/5).
Đáng nói là sau khi các bên ký hợp đồng tín dụng, kể từ ngày 22/4, các trách nhiệm của chị T trong hợp đồng đã được chuyển giao cho chị A, nên VPBank sau khi thu lãi của chị T thì quay sang thu nốt của chị A.
Tổng cộng, chị A phải đóng lãi cho khoản vay mà chị T đã bị tính lãi, tổng cộng lên tới hơn 33 triệu đồng. Cùng một khoản vay, cả người bán, người mua cùng phải chịu lãi chỉ vì phía VPBank “hoàn tất thủ tục hợp đồng”. Tổng cộng, cả hai người này đã phải trả lãi hơn 76 triệu đồng.
Câu hỏi được đặt ra là có cần thiết phải mất đến 34 ngày để hoàn tất một hợp đồng chuyển giao trách nhiệm tín dụng như vậy khi mà toàn bộ giấy tờ, con người liên quan đều rõ ràng? Theo tìm hiểu của VietnamFinance, về mặt quy trình nghiệp vụ, mất không tới tuần lễ cho việc này, trong trường hợp ngân hàng thiện chí hỗ trợ thì còn nhanh hơn nữa.
Bản thân nhân viên ngân hàng VPBank cũng khẳng định sau khi các bên ký kết xong hợp đồng thì chỉ mất tối đa 3 ngày là xong hết các thủ tục để tất toán nợ.
"Tôi cho rằng việc VPBank kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục là để trục lợi của khách hàng. Thậm chí các cơ quan nhà nước còn không quan liêu đến như vậy", chị T bức xúc.
Tính sơ bộ, VPBank đã thu của khách hàng khoản lãi gần bằng 1,5% tổng dư nợ vay trong sự việc trên đây. Phải chăng, một phần trong con số hơn 10 ngàn tỷ lợi nhuận năm 2019 và cũng tương đương từng đó cho kế hoạch năm nay đã đến từ những thủ thuật thế này?
Nhưng, sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó...
Kỳ sau, VietnamFinance sẽ giới thiệu tiếp những kỹ thuật “bóc tiền” khách hàng của VPBank trong câu chuyện này...
Kể từ khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định sẽ xử nghiêm các trường hợp làm khó khách hàng. Gần nhất, trong hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tổ chức ngày 14/5 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. “Xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm”, Phó Thống đốc nhấn mạnh. Trước đó, trong hội nghị toàn ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh khu vực và quốc tế và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với phương châm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất. |