Từ những bước đi ban đầu cách đây 10 năm, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đến nay phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu và là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng.
Ngày 25/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) đã tổ chức diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2022.
Tại hội thảo, các chuyên gia cùng bàn luận, đưa ra kiến nghị sửa đổi hành lang pháp lý cho việc phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Ngoài ra, các chuyên gia cũng bàn thảo về mô hình, kinh nghiệm phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong và sau dịch Covid-19; giới thiệu các giải pháp công nghệ nhằm giúp các ngân hàng xử lý nghiệp vụ một cách nhanh chóng, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo trên nền tảng công nghệ sẵn có của ngân hàng.
Tại đây, TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 tái bùng phát trong thời gian dài đã ảnh hưởng nặng đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
"Việc một số địa phương trong đó có Tp.Hà Nội và Tp.HCM phải thực hiện giãn cách, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, song đây cũng là cơ hội thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới" - ông nói.
"Nhờ đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn", TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định và cho rằng sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2021 có đóng góp tích cực của dịch vụ bán lẻ, cũng là chìa khóa để ngành ngân hàng thực hiện được sứ mệnh giữ cho huyết mạch của nền kinh tế thông suốt trong mọi thời điểm, kể cả thời kỳ cao điểm của đại dịch.
Thách thức triển khai dịch vụ tại vùng sâu, xa
Tại hội thảo, ông Linh Đức Hoàng, Trưởng ban khách hàng cá nhân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank nhận định ngành ngân hàng để đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai dịch vụ bán lẻ. Bên cạnh đó, ông đã chỉ ra thách thức trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Hoàng, công tác phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, do tập quán và thói quen tiêu dùng của người dân tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo tỷ lệ người dân sử dụng công cụ tiền mặt để thanh toán các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng vẫn còn phổ biến, việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các công cụ thanh toán (thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử) của người dân còn nhiều hạn chế.
"Ngoài ra, tâm lý ngại chuyển đổi của người dân khi tiếp cận với các hình thức thanh toán hiện đại, sự lo ngại về an ninh an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến, đa phần người dân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa có thói quen mua sắm ở các chợ nhỏ lẻ nên nhu cầu thanh toán qua các phương thức điện tử và nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử còn thấp" - ông Hoàng chỉ ra.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch điện tử còn hạn chế, mạng lưới Internet, Wifi, mạng viễn thông chưa được phủ sóng đầy đủ hoặc chất lượng chưa tốt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc hoạt động không ổn định, tốc độ chậm.
Đặc biệt, tội phạm công nghệ cao ngày càng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng thông tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận trên tài khoản của khách hàng nên không ít khách hàng còn e ngại khi thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử.
Thúc đẩy hoạt động ngân hàng bán lẻ tại khu vực nông thôn
Theo ông Linh Đức Hoàng, để phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, thúc đẩy thương mại điện tử tại khu vực nông nghiệp nông thôn, cần xây dựng nhiều giải pháp.
"Cụ thể, phải tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng theo hướng đa kênh, đa tiện tích sử dụng trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại trong thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương, bù trù điện tử qua hệ thống thanh toán tập trung, hệ thống thẻ, hệ thống ngân hàng tự động" - ông cho hay.
Bên cạnh đó, ông Hoàng cho rằng cần tiếp tục phát triển sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, giảm chi phí cho khách hàng trên cơ sở tăng cường hợp tác với các các Tập đoàn, Tổng công ty, các công ty Fintech, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử để xây dựng hệ sinh thái thanh toán khép kín phục vụ nhu cầu thanh toán của các giao dịch thương mại điện tử đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin khách hàng.
Tiếp theo, phải cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ, chứng từ giao dịch chuyển đổi theo hướng số hóa và tự động hóa. Ban hành chính sách chăm sóc, khuyến mại thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng và phát triển giao dịch thanh toán trên kênh điện tử.
Ngoài ra, cần đáp ứng kịp thời, đầy đủ nguồn vốn tín dụng và dịch vụ thanh toán cho khách hàng, thực hiện kết nối trực tiếp nhà cung cấp và người mua hàng thông qua giao dịch trên sàn thương mại điện tử để giảm chi phí, gia tăng lợi ích, chất lượng sản phẩm, quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng, dòng tiền của vốn đầu tư, trước mắt tập trung cho người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Cuối cùng, phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Agribank trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các chi nhánh, điểm giao dịch của Agribank… Phối kết hợp với các hội Nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Liên monh hợp tác xã nhằm truyền tải, phổ biến, lan tỏa và nâng cao nhận thức của khách hàng tại địa bàn nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa về các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, về dịch vụ ngân hàng bán lẻ, tăng cường hiểu biết và hình thành thói quen thanh toán điện tử khi thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.