Đáng chú ý, Công ty này mới được thành lập vào ngày 22/11/2019 với vốn điều lệ chỉ... 300 triệu đồng.
Dự án 5.000 tỷ đồng
Dự án này tọa lạc trên khu đất rộng hơn 6.672m2 giữa trung tâm TPHCM, với quy mô 41 tầng. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Sài Gòn One Tower. Đây là doanh nghiệp (DN) dự án và là liên doanh của Công ty CP M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Ngân hàng Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Là dự án tạo tiếng vang và được kỳ vọng bậc nhất ở khu trung tâm TPHCM, nhưng sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào bế tắc. Tính đến thời điểm ngưng thi công vào cuối năm 2011, khoảng 80% khối lượng công việc đã hoàn thành. Dự án liên tục dời thời điểm hoàn thành nhưng vẫn không thực hiện được. Trong khi đó, cơ cấu công ty cổ phần đầu tư địa ốc M&C, chủ đầu tư dự án có sự thay đổi khi doanh nghiệp này công bố con dấu cũng như lãnh đạo, người đại diện theo pháp luật mới. Ông Trần Hùng Việt và bà Võ Ngọc Xuân lần lượt là Chủ tịch HĐQT và Giám đốc công ty này. Thời gian sau đó, các cổ đông sáng lập ban đầu là Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và PNJ lần lượt thoái vốn, và Công ty Cổ phần M&C cũng ngưng hoạt động vì nợ thuế.
Tháng 8/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bất ngờ công bố thông tin đã thu giữ tòa nhà này để xử lý và thu hồi nợ của Công ty CP Sài Gòn One Tower. Đến tháng 3/2018, tòa nhà nói trên được VAMC bán đấu giá với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Từ đó đến nay, dự án này vẫn không tìm được nhà đầu tư tham gia dù chủ dự án này vay vốn gốc lẫn lãi đến thời điểm bị VAMC thu hồi là trên 7.000 tỷ đồng. Do đấu giá không thành công nên VAMC đã bàn giao lại tài sản khoản nợ cho phía ngân hàng xử lý.
Mới đây, Saigon One Tower còn là tài sản trong vụ án của Công ty Sài Gòn One Tower vay vốn để đầu tư xây dựng cao ốc. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để chuyển đổi mục đích sử dụng từ thuê đất sang giao đất đối với phần diện tích xây dựng khối căn hộ. Vì vậy, dự án này chưa được phép chuyển đổi công năng, các căn hộ chưa được phép bán.
Dự án Saigon One Tower đến nay vẫn chưa hoàn thiện. |
Doanh nghiệp vốn 300 triệu đồng muốn "làm" tiếp
Theo tìm hiểu, Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm được thành lập vào ngày 22/11/2019 với vốn điều lệ 300 triệu đồng. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở, trụ sở đặt tại 33 Đường số 8, khu phố 4, phường Bình An, quận 2, TPHCM. Tại hồ sơ công bố thành lập mới kê khai, công ty này có 3 cổ đông sáng lập. Trong đó ông Nguyễn Quốc Long góp 50% vốn và đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Hai cổ đông cá nhân khác lần lượt là ông Lê Nguyên Thành góp 30% và ông Lê Quang Ngọc góp 20%.
Ngoài đứng tên cho Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm, ông Nguyễn Quốc Long còn làm người đại diện pháp luật cho Công ty CP Du lịch Hồ Tràm và Công ty CP Quốc tế Hồ Tràm. Trong đó, Công ty CP Quốc tế Hồ Tràm đã ngừng hoạt động.
Nhắc đến ông Nguyễn Quốc Long, không ít người sẽ nhớ đến Công ty CP Du lịch Hồ Tràm nổi đình nổi đám hơn 6 năm trước. Đây chính là doanh nghiệp từng đề xuất đầu tư 3 dự án lớn ở Việt Nam với tổng vốn lên tới 100 tỷ USD hồi năm 2014.
Cụ thể, hồi tháng 3/2014, Công ty CP Du lịch Hồ Tràm từng công bố ký kết cùng Công ty Dragon Best International (trụ sở Hong Kong) hợp đồng nguyên tắc về việc tham gia đầu tư vào 3 dự án. Được biết, Giám đốc Dragon Best International là ông Bùi Hùng, một Việt kiều quốc tịch Pháp, hiện đồng thời đảm nhận cương vị Giám đốc của Quỹ đầu tư True Vision Foundation (Mỹ), với nguồn vốn của nhiều cựu chính khách nổi tiếng.
Các dự án được Công ty CP Du lịch Hồ Tràm phân bổ tiền đầu tư quy mô tới trăm tỷ USD gồm: Khu trung tâm phức hợp thương mại, tài chính, khách sạn, khu nhà ở, trung tâm hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng (TPHCM), tổng vốn đầu tư 32 tỷ USD; Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), vốn đầu tư 18 tỷ USD; Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, tổng vốn đầu tư 50 tỷ USD.
Thời điểm đó, số tiền 100 tỷ USD thực sự gây sốc với giới đầu tư. Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Nam Sơn, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Ngân hàng Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), từng là CEO của Ngân hàng CitiGroup tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam, khẳng định số vốn trên “không bao giờ có”.
Theo ông Sơn, con số này “quả không tưởng và khó tin ngay tại thị trường tài chính Mỹ”. Hiện quỹ đầu tư lớn ở Mỹ như Goldman Sachs Group hay Kohlberg Kravis Roberts, quỹ đầu tư đã rót 650 triệu USD vào Vinhomes hồi tháng 6/2020, lúc bấy giờ cũng chỉ quản lý khoảng 30 tỷ USD là tối đa. Với mức đó, nguồn tài chính đầu tư của các quỹ này dành cho thị trường Đông Nam Á cũng chỉ khoảng 2 tỷ USD là nhiều nhất.
Thời điểm đó, nhiều chuyên gia đầu tư nước ngoài cũng lên tiếng để các nhà đầu tư cảnh giác. Và quả thực, cho đến nay, tất cả dự án kể trên vẫn nằm trên giấy. Thương vụ trăm tỷ đô này cũng được thị trường xếp vào một trong những “bánh vẽ” lớn nhất nhì lịch sử Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư.
Trở lại “thương vụ” đầu tư Saigon One Tower, có thể thấy Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm do ông Nguyễn Quốc Long làm đại diện, khó có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án 5.000 tỷ đồng này. Dư luận đặt câu hỏi, trong trường hợp này, ông Long đang toan tính điều gì?