Theo quan sát trên thị trường, hiện lãi suất huy động tại các ngân hàng đang duy trì mức rất thấp. Một số ngân hàng thậm chí còn tiếp tục giảm thêm, đơn cử ngày 16/8, Ngân hàng SHB giảm lãi suất tiền đồng thêm khoảng 0,1 – 0,2%/năm, theo đó kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3,5 - 3,6%/năm; 3 tháng còn 3,65 - 3,75%/năm; 6 tháng từ 5,3 - 5,4%/năm và 12 tháng từ 5,9 - 6%/năm...
Lãi suất tiết kiệm tiền đồng tại Techcombank cũng đang ở mức rất thấp, kỳ hạn 1 tháng còn 2,3 - 3%/năm; 3 tháng từ 2,5 - 3,2%/năm; 6 tháng từ 3,7 - 4,8%/năm và 12 tháng còn 4,2 - 5,3%/năm...
Ngân hàng có nên giảm lãi suất huy động để tiết giảm chi phí (Ảnh minh họa) |
Ngân hàng SCB - vốn là ngân hàng luôn giữ biểu lãi suất tiền gửi hấp dẫn nhất thị trường, mới đây cũng phải điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn ngắn (1-5 tháng) xuống còn 3,85 - 3,95%/năm...
So với thời điểm đầu 2020, lãi suất tiết kiệm tiền đồng của các NH đã giảm khoảng 1,5 - 3%/năm và ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tương tự, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng có xu hướng giảm. Trong tuần thứ 2 của tháng 8, lãi suất VND các kỳ hạn chủ chốt như qua đêm, 01 tuần và 01 tháng giảm lần lượt 0,11%/năm, 0,24%/năm và 0,21%/năm xuống mức 0,83%/năm, 0,98%/năm và 1,30%/năm.
Điều này cho thấy thanh khoản các ngân hàng vẫn đang tương đối dồi dào. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ, làm giảm nhu cầu vay vốn.
Khó có thể giảm thêm
Trên thực tế, thanh khoản dồi dào kể từ đầu năm khiến nhiều ngân hàng đã chủ động hạn chế huy động vốn trên thị trường dân cư để tiết giảm chi phí. Trong bối cảnh cầu tín dụng có khả năng giảm mạnh, câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng có tiếp tục giảm lãi suất huy động để tiết giảm chi phí? Các chuyên gia cho rằng khả năng lãi suất huy động giảm thêm là không nhiều.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ở Việt Nam, lạm phát bình quân hiện nay khoảng 3,5% (lạm phát kỳ vọng năm nay là 4%). Nếu lãi suất tiền gửi bằng với lạm phát hoặc bằng với kỳ vọng lạm phát thì lãi suất thực bằng 0, vì đồng tiền mất giá 4%/năm. Nếu lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5%/năm thì lãi suất thực chỉ 1%.
“Trong trường hợp lãi suất tiền gửi bằng không hoặc âm, thì người gửi có xu hướng rút tiền về để kinh doanh ngoài ngân hàng như chứng khoán, mua trái phiếu, mua vàng, mua ngoại tệ, mua bất động sản… Khi đó, hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế rơi vào cái gọi là “bẫy thanh khoản”, có thể bị rút tiền ồ ạt. Đây là giới hạn cuối cùng của giảm lãi suất huy động để cân nhắc về chính sách” – TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Trên thực tế, theo thống kê từ đầu năm đến nay tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tăng chậm hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước và so với tăng trưởng tín dụng.
Tính đến cuối tháng 6, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là 12,64 triệu tỷ đồng, tăng 4,43% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 5,111 triệu tỷ đồng, tăng 4,78%, còn tiền gửi của dân cư là 5,293 triệu tỷ đồng, tăng 2,94%.
Trong đó, trong tháng 1 tiền gửi dân cư trong hệ thống tổ chức tín dụng giảm hơn 16.500 tỷ đồng so với cuối năm 2020; sau đó tăng đột biến vào tháng 2 thêm hơn 111.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang tháng 3 lại giảm 13.365 tỷ đồng và từ tháng 4 đến tháng 6 tăng từ 11.000 - 17.000 tỷ đồng/tháng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, lãi suất tiền gửi hiện nay của Việt Nam đã rất gần giới hạn cuối cùng. Nguyên nhân do giãn, hoãn nợ, nên các ngân hàng chưa thể thu được tiền về để cho vay tiếp, vì vậy, tại một số ngân hàng nhỏ, thanh khoản đã bắt đầu có dấu hiệu áp lực hơn.
Theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, cơ hội để giảm tiếp lãi suất tiền gửi là rất thấp, khoảng 0,5%, đây là con số đã khá mạo hiểm. Và vì vậy, cơ hội giảm lãi suất cho vay cũng khá thấp, chỉ khoảng 0,5-1% tùy điều kiện của từng ngân hàng, không thể giảm 3-5% như một số hiệp hội doanh nghiệp mong muốn.
Theo Kinh tế chứng khoán