Việc áp dụng Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cơ bản đã hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Thông tư 03 của các tổ chức tín dụng vẫn đang còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Ngân hàng muốn nới điều kiện trong Thông tư 03 (Ảnh minh họa) |
Đầu tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Có 2 điểm mới quan trọng đáng lưu ý. Cụ thể, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021. Đồng thời, phân bổ lộ trình trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong 3 năm, từ năm 2021-2023.
Việc áp dụng Thông tư 03 kỳ vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc vay vốn, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí tài chính, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, qua thực tế ghi nhận phản ánh từ các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng cho biết, việc triển khai thực hiện một số điểm trong Thông tư 03 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có báo cáo gửi NHNN về những vướng mắc, bất cập của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thực tiễn thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo VNBA, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang rất khó khăn do không có nguồn thu, không trả được nợ ngân hàng, không được cơ cấu các khoản vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03, ảnh hưởng đến việc phân loại nhóm nợ. Điều này khiến ngân hàng không thể cơ cấu nợ, nếu tiếp tục cho vay, nợ xấu có xu hướng tăng cao, trong khi thời hạn cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 03 chỉ còn hơn 4 tháng nữa sẽ hết hiệu lực.
Vì vậy, VNBA đề xuất NHNN xem xét, cho phép áp dụng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, thay vì đến 31/12/2021 như hiện nay.
Về quy định cơ cấu đối với khoản nợ quá hạn, quy định tại Thông tư 03 cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ còn trọng hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày. Nhưng khách hàng tại tỉnh/thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thuộc khu vực phong tỏa/cách ly gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm điều kiện tại quy định này khi đề xuất xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Do đó, VNBA đề nghị NHNN xem xét mở rộng đối với các khoản nợ quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
Về thời gian được gia hạn của các khoản nợ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Quy định này đã gây khó khăn cho cả khách hàng và TCTD vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, dừng sản xuất... nên không thể đáp ứng được áp lực trả nợ nếu như số dư nợ được cơ cấu phải phân bổ trong 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ do chưa thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, VNBA đề nghị NHNN xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hoặc có thể giữ nguyên theo Thông tư 01: “Không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo Hợp đồng tín dụng đã ký”...
Theo Đại đoàn kết