Số liệu được Ngân hàng Nhà nước cập nhật trong tháng 2/2022 cho biết, tiền gửi cư dân tăng tiếp tục hơn 56.000 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 1/2022, mức tăng là 103.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng 159.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng và đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,46 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,01% so với thời điểm cuối năm 2021. Việc tiền gửi cư dân tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm là điều hiếm gặp. Bởi lẽ, đây là những tháng cao điểm, người dân thường có xu hướng rút tiền để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu dịp Tết Nguyên đán và đầu tư các kênh ngắn hạn. Cụ thể, năm 2021 vừa rồi, dân cư rút ròng trong tháng 1, sang tháng 2 mới gửi trở lại.
Xét về mức lãi suất huy động cao nhất tại mỗi ngân hàng, Techcombank đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng Sài Gòn với 7,6%/năm, Ngân hàng Nam Á 7,4%/năm. ACB, MSB hay VietCapitalBank cũng có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm... Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, tại một số ngân hàng, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Không chỉ tiền gửi cư dân tăng mạnh mà trong tháng 2/2022, tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cũng tăng 59.000 tỷ đồng, lên mức 5,63 triệu tỷ đồng. Năm 2021, cũng tại thời điểm 2 tháng dầu năm, các tổ chức kinh tế đều rút mạnh.
2021 đã đánh dấu năm đầu tiên số dư tiền gửi ngân hàng của nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn nhóm khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, sang đến 2 tháng đầu năm 2022, tiền gửi của người dân tăng mạnh trở lại, vượt tổ chức kinh tế. Tính chung, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng 2/2022 đạt hơn 13,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021.
Tiền gửi vào người dân tăng mạnh trong giai đoạn người dân đang rút tiền khỏi thị trường chứng khoán. Theo đó, tính đến ngày hôm qua (20/4), chứng khoán hiện giảm gần 140 điểm so với đỉnh ngắn hạn hồi tháng 4/2022. Còn tính đến 10h40 phiên hôm nay (21/4), VN-Index giảm thêm 20 điểm, hiện đạt 1.365 điểm, quay về thị giá hồi đầu tháng 10 năm ngoái.