Sức ép lên ngân hàng vẫn chưa vơi

Hà Thành 17:12 06/06/2023

Thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng đã làm hết khả năng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Hàn thử biểu nền kinh tế

Đánh giá triển vọng ngân hàng năm 2023, Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cho biết, có 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022, thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước. Ngoài ra, có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Những lo ngại của các TCTD hoàn toàn có cơ sở khi nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nhất là ở các thị trường lớn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm có tới 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất tiếp tục bị thu hẹp khi chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm xuống còn 45,3 trong tháng 5 từ mức 46,7 của tháng 4, ghi nhận tháng suy giảm thứ 3 liên tiếp và là tháng thứ 6 chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 trong 7 tháng gần đây.

Tính đến hết tháng 5, tín dụng đạt 12,3 triệu tỷ đồng

Khó khăn của doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung đều tác động tới hoạt động của ngành Ngân hàng. Lãnh đạo một NHTM lớn chia sẻ, ngân hàng là hàn thử biểu của nền kinh tế, doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng khó. Thống kê 27 ngân hàng niêm yết, lợi nhuận quý I/2023 đã sụt giảm 4,4%. Năm 2023, khó khăn lớn nhất ngân hàng đang đối mặt là sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang chững lại. Tính đến hết tháng 5, tín dụng đạt 12,3 triệu tỷ đồng, tức tăng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Mà thu nhập từ tín dụng vẫn là trọng yếu của ngân hàng. Chất lượng nợ lại đang suy giảm, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Một khó khăn không nhỏ đối với các ngân hàng trong thời điểm này là áp lực chi phí huy động vốn từ khoản huy động lãi suất cao từ quý IV năm ngoái. Trong khi lãi suất cho vay thời gian qua có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Chưa kể nợ cơ cấu theo Thông tư 02 ngân hàng không được thu lãi. Do đó, NIM của ngân hàng đến quý IV năm 2023 bị co hẹp có thể chỉ ở mức 2,5%.

Theo thống kê của CTCK VnDirect, vào thời điểm trước khi có lần giảm lãi suất điều hành lần thứ 3, NIM trung bình của 25 ngân hàng niêm yết tiếp tục giảm 18 điểm trong quý I/2023 do các ngân hàng đã phải hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Từ thực tế này, giới chuyên môn dự báo, sức ép kinh doanh của ngân hàng vẫn chưa vơi, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay.

Chia lửa với ngân hàng

Có thể khẳng định thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng đã làm hết khả năng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó NHNN ban hành Thông tư 02/2023/TTNHNN cho phép TCTD thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; ban hành Thống tư 03/2023/TT-NHNN nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, NHNN đã ba lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các TCTD giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay dể thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, lãi suất không phải là "cây đũa thần" trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy mặc dù lãi suất cho vay tiếp tục giảm, song tăng trưởng tín dụng vẫn thấp..

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2023, nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chỉ ra, nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp là do trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các tổ chức tài chính trở nên thận trọng hơn, khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn, nhưng quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu vốn ở mức thấp do đơn hàng giảm mạnh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu những mặt hàng chủ lực.

Do vậy, việc giảm lãi suất mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều kiện đủ ở đây có thể kể đến yếu tố bên ngoài như sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...; các yếu tố trong nước như các chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; các chính sách kích thích tiêu dùng nội địa của Chính phủ như gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ; các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực BĐS và TPDN nhằm thúc đẩy thị trường và giải phóng dòng vốn…

Chung quan điểm, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đề xuất giải pháp cần tiếp tục giảm 2% thuế GTGT với thủ tục gọn, thực hiện nhanh, kịp thời. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội mới có thể cho vay lãi suất thấp và nguồn vốn mồi bền vững; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV và các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV tại các địa phương. Đặc biệt, mọi quyết sách đều cần được giao trách nhiệm, thời hạn cụ thể, có chế tài phù hợp nếu không thực hiện. Ngoài giải pháp trên, nhóm nghiên cứu còn đề xuất cần tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc đã được chỉ ra thời gian qua để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như hoàn thuế GTGT; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế... Tiếp đến, tổ chức thực hiện đúng thời hạn và có hiệu quả những quyết sách đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành, nhất là những quyết sách được ban hành từ đầu năm 2022 đến nay. Với chính sách tiền tệ, ngoài tiếp tục triển khai quyết liệt chính sách cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng, cần tiếp tục giảm lãi suất cả huy động và cho vay. Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp cũng cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí, giải quyết đúng các cam kết trả nợ chấp nhận phải bán tài sản, nếu cần...

Theo đại biểu Lê Hữu Trí, đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, ngoài vấn đề chủ động xem xét hạ lãi suất, cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. "Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát", vị này lưu ý.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/suc-ep-len-ngan-hang-van-chua-voi-140209.html

Bạn đang đọc bài viết Sức ép lên ngân hàng vẫn chưa vơi tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng
Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc nắm bắt cơ hội bứt phá trong ngắn hạn, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) triển khai Gói tín dụng “Vay ưu đãi - Lãi tri ân” với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ.