Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá đường dây lừa đảo công nghệ cao với số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đang tạm giữ 3 đối tượng gồm Lê Anh Tuấn và Nguyễn Ngọc Thành (31 tuổi) cùng trú tại tỉnh Quảng Trị; Nguyễn Tuấn Dũng (26 tuổi) trú ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó, khoảng tháng 3/2020, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được nhiều đơn trình báo của những người bán hàng trực tuyến về việc bị mất trộm tiền trong tài khoản ngân hàng.
Kết quả điều tra lực lượng chức năng xác định, Lê Anh Tuấn có bằng kỹ sư về công nghệ thông tin, là đối tượng cầm đầu của đường dây lừa đảo này. Lê Anh Tuấn đã cấu kết với Dũng và Thành thuê phòng trọ tại đường Ngự Bình, phường An Cựu, thành phố Huế. Lê Anh Tuấn phân công Dũng và Thành chịu trách nhiệm lập nhiều tài khoản Facebook ảo có độ tin cậy cao, lên mạng vào các diễn đàn, tìm kiếm thông tin của những người bán hàng trực tuyến, nhắn tin trò chuyện mua hàng và rút tiền.
Lê Anh Tuấn trực tiếp thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam. Khi có đủ thông tin của nạn nhân do 2 đồng phạm cung cấp, Lê Anh Tuấn đăng nhập vào website thật của ngân hàng để thực hiện lệnh chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản nạn nhân đến tài khoản của Tuấn.
Sau mỗi vụ lừa đảo trót lọt Lê Anh Tuấn trả công cho Dũng và Thành từ 10-50% số tiền lấy được. Tính riêng từ tháng 10/2019 cho đến nay, nhóm đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 107 tỷ đồng.
Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đang tạm giữ 3 đối tượng để tiếp tục mở rộng điều tra.
3 đối tượng trong đường dây lừa đảo đã bị lực lượng công an bắt giữ. Ảnh: baothuathienhue.vn |
Trước đó, một vụ việc khác với chiêu thức tinh vi hơn, có sự tham của các đối tượng người nước ngoài được Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá hồi tháng 1/2020, tạm giữ 10 đối tượng để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng.
Các đối tượng tạm giữ gồm: Long Boon Leng (SN 1991), Lim Kean Kew (SN 1996), cùng quốc tịch Malaysia; Cao Ngọc Nhi (SN 1998), Đỗ Thị Đông (SN 1993), trú ở Campuchia cùng 6 người Việt Nam.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 5 người bị lừa đảo bằng hình thức gọi điện mạo danh cơ quan công an, Viện Kiểm sát đe dọa lấy gần 7 tỷ đồng.
Nhận được tin báo từ người bị hại, Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vào cuộc điều tra.
Qua điều tra xác định, nhóm người quốc tịch Malaysia được một số người ở Đài Loan chỉ đạo nhập cảnh vào Việt Nam mua thông tin cá nhân. Sau đó chuyển cho những người Đài Loan dùng tổng đài giả danh số điện thoại của cơ quan công an, Viện kiểm sát đe dọa.
Hình thức thực hiện đến các bị hại bằng cách như thông báo nợ tiền thanh toán qua thẻ ngân hàng, liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như rửa tiền, buôn bán ma túy... để chiếm đoạt thông tin ngân hàng trực tuyến.
Cơ quan công an phát hiện các đối tượng nắm giữ hơn 100 nghìn thông tin tài khoản ngân hàng của người Việt và chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc. Từ ngày 23/12/2019 -11/1/2020, các đối tượng phạm tội đã chiếm đoạt 1.690 tài khoản giao dịch ngân hàng qua internet, số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại trên cả nước ước tính hơn 500 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra tạm giữ 57 điện thoại, 5 máy tính xách tay, 1 thiết bị Air Tel, 5 thiết bị lưu trữ, 289 sim điện thoại, 50 thẻ ATM và nhiều tài liệu liên quan; đồng thời ngăn chặn phong tỏa 55 tài khoản ngân hàng với tổng số tiền 3,7 tỷ đồng.
Các đối tượng trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền tại Quảng Nam. |
Để hạn chế tối đa các rủi ro thất thoát tài sản, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không mở email/tin nhắn lạ; Không mở file hoặc click vào link được gửi từ địa chỉ lạ, không xác định (đặc biệt không bắt đầu bằng https:// và không có biểu tượng ổ khóa); Không cài các ứng dụng lạ chưa được xác thực hoặc khi cài đặt có cảnh báo không an toàn; Không truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản, số thẻ, số PIN (mật khẩu của thẻ)… của cá nhân vào một trang web/liên kết khác với trang web chính thức của ngân hàng hay ứng dụng khác của ngân hàng online.
Đồng thời không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng vì ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin mã OTP và không thực hiện chuyển khoản trước khi xác thực được người/nguồn yêu cầu.
Các ngân hàng cũng lưu ý khách hàng nên thay đổi mật khẩu ngay trong trường hợp đã click link giả theo hướng dẫn từ tin nhắn/email giả mạo. Đồng thời báo ngay với ngân hàng theo hotline 24/7 của các ngân hàng hoặc điểm giao dịch ngân hàng của mình gần nhất yêu cầu tạm khóa dịch vụ Thẻ/Ebanking trong trường hợp bị lừa đảo mất tiền, bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ… của cá nhân.
Báo ngay công an địa phương hoặc gọi tới số trực ban hình sự của địa phương khi phát hiện mất tiền trong tài khoản do bị lừa đảo để kịp thời điều tra.
Theo TT Tài chính Tiền tệ