Con trai ông Trần Bắc Hà đã thao túng công ty 'sân sau' của bố như thế nào?

NHVN 07:26 11/07/2020

Trong đại án Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV đã cố tình lập "sân sau" rồi từ đó có nhiều hành vi chỉ đạo cấp dưới cho những đơn vị không đủ điều kiện vay tiền, gây thất thoát cho BIDV.

Liên quan đến hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), BIDV chi nhánh Hà Tĩnh trong việc cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà để thực hiện dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt, theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC), ông Trần Bắc Hà đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Theo đó, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, nguyên Trưởng Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư (QLRRTD,ĐT) giữ vai trò chính trong vụ án.

Lợi dụng vị trí là người đứng đầu BIDV, Trần Bắc Hà đã trực tiếp làm việc với Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh của gia đình. Trần Bắc Hà còn cam kết cấp tín dụng cho dự án, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giao đất và áp dụng các điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp.

Nguyên Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà là người đã có ý định lập công ty sân sau, phục vụ mục đích xúc tiến dự án chăn nuôi của gia đình tại Hà Tĩnh.

Nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV đã sử dụng 3 cá nhân không có năng lực tài chính, kinh nghiệm để thành lập công ty "sân sau", lập dự án và xin vay vốn tại BIDV.

Đáng chú ý, ông Trần Bắc Hà còn chỉ đạo xuyên suốt BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh trong việc tiếp nhận, thẩm định cho vay và giải ngân khi Công ty Bình Hà không có năng lực tài chính, chưa đủ điều kiện cấp tín dụng.

Việc làm này đã dẫn đến mất vốn, thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng.

Nhà chức trách xác định, đầu năm 2015, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, Trần Bắc Hà tới dự và trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về chủ trương thành lập dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại Hà Tĩnh. BIDV cam kết là đơn vị tài trợ vốn và sẽ giới thiệu nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực, uy tín, sẵn sàng tư vấn trong lĩnh vực chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

2 liên danh được nhắc đến là Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú (Công ty An Phú), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Tập đoàn HAGL).

Mặc dù không tham gia chính thức trong Công ty Bình Hà, tuy nhiên mọi hoạt động của công ty này đều do Trần Duy Tùng thao túng.

Sau đó, Trần Bắc Hà có nhiều văn bản gửi Tỉnh uỷ UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ đầu tư dự án.

Do Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) đang là Tổng giám đốc Công ty An Phú, nên theo quy định BIDV không được cấp tín dụng cho liên danh này.

Do vậy, Trần Bắc Hà đã chủ trương thành lập Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà), gồm 3 cổ đông góp vốn.

Người đầu tiên là Trần Anh Quang (cháu họ ông Trần Bắc Hà và là lái xe cho Trần Duy Tùng), người thứ 2 là Thái Thành Vinh (bạn của Trần Duy Tùng). 2 cổ đông này sẽ đứng tên để góp vốn cho Trần Duy Tùng vào Công ty Bình Hà.

Người thứ 3 góp vốn là Đinh Văn Dũng, người này do Tập đoàn HAGL giới thiệu.

Sau khi đã thống nhất về nhân sự, Công ty Bình Hà hoàn tất thủ tục pháp lý để thành lập công ty. Ngày 10/4/2015, công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký Công ty cổ phần.

Dự án chăn nuôi bò Bình Hà không đạt hiệu quả, nhiều chuồng trại bỏ không. (Ảnh: ST)

Ngành nghề kinh doanh của công ty là chăn nuôi trâu bò; kinh doanh, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

Trụ sở công ty tại số 88 Phan Đình Phùng (TP.Hà Tĩnh), đây cũng chính là trụ sở của BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm Vinh (30% vốn điều lệ), Quang (25% vốn điều lệ), Dũng (45% vốn điều lệ).

Dũng được bầu làm Tổng giám đốc, là người đại diện theo pháp luật. Công ty còn có sự tham gia của ông Nguyễn Gia Thiều với chức danh Chủ tịch HĐQT công ty.

Cáo trạng thể hiện, tại Công ty Bình Hà, con trai của Trần Bắc Hà là người trực tiếp chỉ đạo điều hành mọi hoạt động, 2 cổ đông góp vốn cho Tùng.

Thời gian đầu, Dũng đã thâu tóm điều hành mọi hoạt động của công ty, Quang và Vinh không có mặt, cũng không tham gia vào quá trình điều hành sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, tới năm 2016, Trần Duy Tùng đã thông qua 2 cổ đông góp vốn là Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh tổ chức họp HĐQT Công ty Bình Hà, lấy phiếu biểu quyết bãi miễn chức danh Tổng giám đốc của Dũng, đưa Anh Quang lên thay.

Do Anh Quang không giải quyết được một số công việc mà Dũng đã thực hiện trước đây, năm 2017, Tùng bổ nhiệm lại Dũng là Tổng giám đốc để hoàn tất các công việc, còn mọi hoạt động tại Công ty Bình Hà đều do con trai Trần Bắc Hà trực tiếp chỉ đạo và điều hành.

Theo Dân Việt

Link gốc : https://danviet.vn/con-trai-ong-tran-bac-ha-da-thao-tung-cong-ty-san-sau-cua-bo-nhu-the-nao-20200710100331744.htm

Bạn đang đọc bài viết Con trai ông Trần Bắc Hà đã thao túng công ty 'sân sau' của bố như thế nào? tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức
Đầu tuần này những ngân hàng cuối cùng trong hệ thống như VIB, OCB, SaigonBank… cũng đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên, khép lại mùa đại hội 2020 của các ngân hàng với nhiều kế hoạch liên