Nhà băng nỗ lực tăng vốn hoàn tất niêm yết

NHVN 07:07 03/07/2020

Đầu tuần này những ngân hàng cuối cùng trong hệ thống như VIB, OCB, SaigonBank… cũng đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên, khép lại mùa đại hội 2020 của các ngân hàng với nhiều kế hoạch liên

Nhiều tham vọng tăng trưởng

Tại ĐHCĐ của OCB, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc cho biết, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020, do đó ngân hàng đặt mục tiêu tham vọng lớn hơn đối với tăng trưởng các chỉ tiêu hoạt động. Theo đó, trong điều kiện được NHNN cho phép, OCB đặt kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến sẽ đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2019.

Để đạt được các mục tiêu trên, ban lãnh đạo OCB đề ra kế hoạch nâng tổng mức huy động từ thị trường 1 lên mức gần 103.300 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay trên thị trường 1 (trên cơ sở phê duyệt của NHNN) đạt khoảng hơn 90.500 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 25% so với kết quả thực hiện của năm 2019.

Theo báo cáo của OCB, trong năm nay ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm khoảng 3.377 tỷ đồng. Số vốn này sẽ được thu về từ ba nguồn chính là chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu (gần 2.192 tỷ đồng), phát hành riêng lẻ hơn 316 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác Ngân hàng Aozora (gần 869 tỷ đồng). Như vậy, sau khi tăng thêm vốn điều lệ, tổng số vốn của OCB sẽ đạt mức 11.275 tỷ đồng, đủ để nhà băng này đầu tư cho công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, thiết bị và sẵn sàng cho việc niêm yết trên sàn HoSE.

VIB cũng có kế hoạch tương tự. Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB cho biết, năm 2019 khép lại với việc nhà băng này đã đạt được nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã tăng gấp rưỡi so với năm 2028, đạt mức trên 4.080 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 33%, đạt trên 184.000 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân (ROE) đạt 27,1% - thuộc nhóm cao nhất toàn ngành.

Năm 2020, mặc dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng VIB vẫn gặt hái được những thành tựu tích cực trong hoạt động. Trên cơ sở đó, trong năm nay VIB dự kiến sẽ tăng trưởng tín dụng ở mức 24% đạt trên 164.400 tỷ đồng và huy động tăng 19% đạt 166.120 tỷ đồng.

Đặc biệt, đến cuối tháng 12/2020 đơn vị dự kiến sẽ thông qua chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế để tăng vốn điều lệ thêm 1.849 tỷ đồng. Khi đó vốn điều lệ của VIB sẽ đạt mức gần 11.100 tỷ đồng; tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được kiểm soát ở mức 37%, hệ số CAR theo Basel II ở mức trên 8% và nhà băng này hoàn toàn có điều kiện để dành ra hàng nghìn tỷ đồng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đầu tư tài sản thanh khoản, nâng cấp mạng lưới chi nhánh và niêm yết cổ phiếu VIB trên sàn chứng khoán.

OCB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm khoảng 3.377 tỷ đồng trong năm nay

Đồng loạt đổ bộ lên HoSE

Quan sát trong tuần cuối của tháng 6/2020 cho thấy, không chỉ có OCB và VIB, hàng loạt các NHTM tổ chức đại hội cổ đông trước đó như SHB, ACB, LienVietPostBank và NamABank đều đã lên kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE chậm nhất vào cuối năm nay.

Theo ghi nhận từ báo cáo tài chính của các nhà băng này, độ cận đích của các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đã khá thuận lợi để các mã cổ phiếu có thể chào sàn vào những tháng tới. Chẳng hạn, ở phía LienVietPostBank, sau khi tăng vốn điều lệ thêm 10%, hiện TCTD này đã có vốn ở mức hơn 10.700 tỷ đồng. Với lợi nhuận trước thuế ước khoảng 1.700 tỷ đồng và chi trả cổ tức 8% vào cuối năm, nhà băng này hiện đã thông qua kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE đối với cổ phiếu LPB để nâng cao hình ảnh nhận diện thương hiệu và tối đa lợi ích cho cổ đông.

Với ACB và NamABank diễn biến cũng đang khá thuận lợi. Với việc tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào năm 2020 và dự kiến trả cổ tức khoảng 18% vào cuối năm, lãnh đạo ACB cho rằng thời điểm này chính là thời điểm thích hợp để dời cổ phiếu từ sàn HNX sang sàn HoSE vì việc chuyển sàn này sẽ đem lại lợi ích do cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lọt vào các rổ chỉ số của HoSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDiamond (10%)... từ đó, có thể giúp làm tăng giá trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, tại NamABank việc hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên mức 5.000 (dự kiến hoàn thành trong quý 3/2020) cũng đang là trợ lực rất mạnh mẽ để hồ sơ niêm yết trên sàn HoSE của nhà băng này được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam chấp thuận. Và với sự đồng thuận mạnh mẽ từ cổ đông trong đợt đại hội vừa qua, nhiều khả năng việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của NamABank trên sàn HoSE sẽ được thực hiện không sớm thì muộn trong 4-5 tháng tới.

Như vậy có thể nói, tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các NHTM trong hệ thống đều đã bắt đầu lên dây cót cho giai đoạn nước rút của các mục tiêu tăng vốn điều lệ và chào sàn chứng khoán. Ghi nhận chung kết quả kinh doanh từ các ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra đều cho thấy rằng, mặc dù gặp khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng hệ thống NHTM cũng đã có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Điều này tạo ra niềm tin lớn trên thị trường vốn với những dự báo dẫn dắt của khối cổ phiếu ngân hàng. Đồng thời cũng là cơ sở để các TCTD có thể hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, nhất là đáp ứng triệt để tiêu chuẩn an toàn vốn Basel 2 trong toàn hệ thống theo kế hoạch và chỉ đạo của NHNN.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/nha-bang-no-luc-tang-von-hoan-tat-niem-yet-103575.html

Bạn đang đọc bài viết Nhà băng nỗ lực tăng vốn hoàn tất niêm yết tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức