'Ngân hàng không thể mãi lo vốn trung dài hạn'

NHVN 10:30 19/12/2022

Hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn của ngành ngân hàng là trên 80%, trong khi phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nền kinh tế là trung và dài hạn. Điều này dẫn đến 2 rủi ro lớn nhất của ngành ngân hàng là

Empty

Ngân hàng không thể mãi lo vốn trung dài hạn. Ảnh: TRỌNG HIẾU

Được coi là "mạch máu" của nền kinh tế, dòng vốn đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển trong giai đoạn "hậu" đại dịch COVID-19. Dù vậy, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp ở các kênh tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đều gặp khó.

Tuy vậy, vấn đề ở đây không phải thiếu vốn, mà là ách tắc nguồn vốn. TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia so sánh, doanh nghiệp như ruộng khô thiếu nước, tức đang thiếu tiền, trong khi có một hồ chứa nước rất lớn là tiền ở bên cạnh. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh "room" tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% trên toàn bộ hệ thống ngân hàng (tương đương 200.000 tỷ đồng) được ông ví như "nước trong hồ chảy một phần qua ruộn để giải tỏa hạn hán".

TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, hệ thống ngân hàng chỉ còn 3 tuần cuối của tháng 12 để có thể cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5%-4%. Đây là thách thức rất lớn với các ngân hàng, trong thời gian ngắn phải làm sao để "tiêu" 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Vì tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, họ cho vay trên các điều kiện, điều khoản cho vay, không thể hạ chuẩn, cho vay những doanh đang lỗ… Vì tiền cho vay ra là từ huy động của người dân.

Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại cũng phải "đốt đuốc" tìm doanh nghiệp tốt, không chỉ một mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng.

Ông Quang nhấn mạnh Việt Nam luôn có khoảng cách giữa cung - cầu tín dụng và NHNN luôn muốn thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện để ngân hàng với doanh nghiệp có tiếng nói chung.

"Còn ngành ngân hàng khẳng định vốn tín dụng không thiếu. Vì room tín dụng 3,5%-4% trong 3 tuần cuối năm là cực kỳ nhiều. Thống kê hàng năm thường chỉ cần từ 2-2,2% room tín dụng. Các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí", ông nhìn nhận.

Quan trọng hơn, ngoài mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền và ổn định kinh tế vĩ mô qua chỉ số lạm phát. Ông Quang khẳng định lạm phát năm 2022 có thể về đích dưới 4%.

Nhưng ông Quang lưu ý cần nhìn vào chỉ tiêu khác của CPI là lạm phát lõi và lạm phát cơ bản, đang thể hiện các yếu tố đáng quan ngại: "Lạm phát lõi là lạm phát do nhiều nhân tố tiền tệ; lạm phát phi lõi là do yếu tố phi tiền tệ như giá cả hàng hóa do nhà nước quản lý… sẽ tác động rất lớn tới vòng 2 của giá hàng hóa, giá nhập khẩu do độ mở lớn của nền kinh tế, Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản cũng tăng rất nhanh, tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng đến tháng 11/2022 đã tăng lên 4,81% so cùng kỳ năm 2021 và dự kiến tháng 12 có thể tăng trên 5%. Do đó, trong điều hành năm 2023 không thể chủ quan, lơ là với rủi ro lạm phát".

Ngành ngân hàng đang phải gánh tín dụng trung dài hạn

Ông Quang cũng cho rằng nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn tín dụng ngân hàng mà còn có nhiều kênh khác, quan trọng là nguồn vốn nào sẽ trở thành kênh dẫn nước cho doanh nghiệp.

Ngành ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp vì ngân hàng cũng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt vì kinh doanh tiền.

Hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn của ngành ngân hàng là trên 80%, 20% còn lại là vốn tự có và các nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, ngành ngân hàng đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nền kinh tế là trung và dài hạn, con số này cho thấy ngành ngân hàng đang chạy với biên độ chênh lệch rất lớn về mặt kỳ hạn giữa huy động và cho vay.

Điều này dẫn đến 2 rủi ro rất lớn là rủi ro về thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền. Vì người gửi tiền chỉ gửi khoảng 6 tháng, trong khi ngân hàng có khoảng 50% số tiền gửi 6 tháng này đầu tư đến 5 - 10 năm, thậm chí các dự án bất động sản đầu tư tới 20 năm. Nếu dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh sẽ không có tiền trả nợ đến hạn 6 tháng cho người gửi tiền. Đây là rủi ro lớn nhất của ngành ngân hàng.

Một rủi ro nữa là rủi ro lãi suất. Lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi đó lãi suất cho vay trung dài hạn thường 1 năm theo hợp đồng mới điều chỉnh. Và trong quá trình kinh doanh này, ngân hàng đối mặt rất nhiều rủi ro lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao, môi trường lãi suất có biến động lớn như giai đoạn hiện nay.

NHNN đã đưa ra rất nhiều quy định pháp luật, trong đó có tỉ lệ an toàn, tỉ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với lộ trình dài cả 5 năm để các ngân hàng nắn chỉnh lại hoạt động của mình theo hướng bền vững hơn, và ngân hàng thương mại thực hiện đúng chức năng là cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Còn kênh vốn trung dài hạn cho nền kinh tế phải qua thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu….

Với các kênh dẫn vốn khác, ông Quang cho biết khoảng 3 năm trước có nguồn vốn rất lớn vào Việt Nam là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp trên chứng khoán và NHNN thời điểm đó đã mua được hơn 45 tỷ USD. Nhưng do biến động thời gian gần đây, những nguồn vốn này chậm lại.

Rõ ràng là các kênh dẫn vốn và nguồn vốn chảy vào bể nước đang nghẽn. Do đó, nguồn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế giờ là đầu tư công. Chính phủ vài năm trở lại đây rất quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, nhưng kết quả giải ngân chậm nên sự lan tỏa vốn từ đầu tư công ra nền kinh tế rất chậm, dẫn đến vòng quay tiền tệ của ngành ngân hàng cũng chậm theo.

Link gốc : https://nhadautu.vn/ngan-hang-khong-the-mai-lo-von-trung-dai-han-d72577.html

Bạn đang đọc bài viết 'Ngân hàng không thể mãi lo vốn trung dài hạn' tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức
NCB vừa công bố quyết định bổ nhiệm bà Phạm Thị Hiền giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro, kể từ ngày 14/11/2022.