Ngân hàng dồn dập tăng “sức đề kháng”

NHVN 11:26 26/12/2022

Việc các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn giai đoạn cuối năm nhằm chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm mới, đồng thời giúp các ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn k

Gần đây các ngân hàng lớn nhỏ liên tục thông báo kế hoạch tăng vốn. Đơn cử, Agribank vừa thông báo phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, cũng như bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN. Trước đó, VietinBank công bố kế hoạch huy động 9.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Còn Vietcombank cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ bất thường (dự kiến tổ chức cuối tháng 12/2022) về việc kéo dài thời gian thực hiện phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu.

ngan hang don dap tang suc de khang
Vấn đề tăng vốn là mục tiêu trong trung và dài hạn của nhiều ngân hàng

Bên cạnh đó, thời gian qua thị trường cũng ghi nhận hàng loạt nhà băng tăng vốn thành công. Như SHB đã phát hành thành công hơn 400 triệu CP để chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%; qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 30.674 tỷ đồng… Hay LienVietPostBank cũng vừa được sửa vốn điều lệ ghi trong giấy phép hoạt động lên 17.291 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn đáp ứng nhu cầu tăng quy mô hoạt động, LienVietPostBank cũng vừa thông báo chào bán 1.950 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2022. Đại diện LienVietPostBank cho biết, ngân hàng sẽ sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2022 để tăng quy mô vốn hoạt động của ngân hàng và thực hiện cho vay tới khách hàng trong quý I/2023.

Không chỉ gọi vốn nội, các ngân hàng huy động cả nguồn vốn ngoại để tăng vốn. HDBank vừa hoàn thành việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế và nâng room ngoại từ 18% lên 20%. Trái phiếu chuyển đổi bổ sung vốn tự có cấp 2 của HDBank, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của nhà băng này. Vốn từ đợt phát hành này sẽ giúp HDBank bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng theo chiến lược đề ra. Đồng thời, ngân hàng sẽ nâng cao hơn nữa các chỉ số chất lượng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn, sẵn sàng áp dụng sớm chuẩn mực Basel III.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn giai đoạn cuối năm nhằm chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm mới, đồng thời giúp các ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn bị giảm dần theo lộ trình. Chưa kể cầu tín dụng dự báo sẽ tăng cao hơn theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn. Theo đó, vấn đề tăng vốn sẽ tiếp tục được đặt ra với nhiều ngân hàng trong trung, dài hạn.

Lưu ý nữa với các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua, nguy cơ nợ xấu tăng nhanh trở lại vẫn đang là rủi ro lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Do đó, việc tăng vốn không chỉ giúp tăng lớp đệm dự phòng cho mỗi ngân hàng mà còn tăng “sức đề kháng” cho cả hệ thống.

Động lực cho kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng trong giai đoạn này còn từ yêu cầu nâng hệ số CAR cũng như đáp ứng chuẩn mực quốc tế Basel II, Basel III. Hiện nay, hệ số CAR được tính theo Thông tư 41 năm 2016 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%. Theo cập nhật mới nhất của NHNN đến cuối tháng 10/2022, tổng vốn tự có của các NHTM Nhà nước áp dụng Thông tư 41 là 422.786 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng vốn tự có của các NHTMCP đã áp dụng Thông tư 41 là 722.854 tỷ đồng, tăng 18,52% so với đầu năm. Tuy nhiên, theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”, đến năm 2025, tiếp tục đặt ra yêu cầu triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ CAR của các NHTM đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025 đạt tối thiểu 11-12%. Mục tiêu trên đặt ra thách thức cho các ngân hàng phải liên tục tăng vốn tự có, cũng như quản trị chất lượng tài sản hiệu quả.

Nhất là đối với NHTM có vốn nhà nước trong nhiều năm qua, vốn điều lệ tăng rất chậm. Vốn tăng chậm trong khi tổng tài sản tăng nhanh khiến hệ số CAR của các NHTM có vốn nhà nước hiện chỉ ở mức 9,04% tại thời điểm cuối tháng 10/2022, nhỉnh hơn một chút so với quy định tối thiểu là 8% (với các ngân hàng đạt chuẩn Basel II). Trong khi tỷ lệ này tại các NHTMCP đạt 12,29%...

Hệ số CAR thấp khiến các ngân hàng có vốn nhà nước ngày càng bị co hẹp thị phần tín dụng. Số liệu của NHNN cho thấy, nhóm Big 4 chiếm 40-41% thị phần tín dụng và tổng tài sản toàn hệ thống, song vốn điều lệ chỉ chiếm hơn 23% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống. Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, CAR của các ngân hàng quốc doanh Việt Nam thua xa CAR bình quân các ngân hàng tại các thị trường lớn trong khu vực ASEAN (hiện khoảng 19,4%). Để duy trì hệ số CAR trên 10%, theo Fitch, hệ thống ngân hàng Việt Nam - chủ yếu là nhóm Big 4 - cần bổ sung hơn 10 tỷ USD.

Trong số Big 4, việc tăng vốn của Agribank là nan giải nhất do vẫn chưa được cổ phần hóa, việc tăng vốn hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách. Agribank đang đặt mục tiêu tăng vốn trung bình 5.000 tỷ đồng/năm từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách. Tuy nhiên, mục tiêu này khó khả thi trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Song nếu không được khẩn trương cổ phần hóa và không được ngân sách cấp vốn, Agribank sẽ rất khó tăng vốn, nguy cơ hệ số CAR không đạt yêu cầu là rất lớn, ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng cho lĩnh vực tam nông và cả nền kinh tế. “Việc bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng là cần thiết để Agribank duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất với là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực -Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, cần bố trí nguồn ngân sách phù hợp để tăng vốn cho các ngân hàng có vốn Nhà nước. Bởi chỉ khi có nền tảng vốn vững mạnh, các ngân hàng có vốn nhà nước mới có thể hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đề xuất, để củng cố sức mạnh của NHTM có vốn nhà nước, Chính phủ nên có chiến lược tăng vốn dài hơi cho các ngân hàng này, thay vì “ăn đong” xin cơ chế từng năm một.

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-don-dap-tang-suc-de-khang-134893.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng dồn dập tăng “sức đề kháng” tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức
NCB vừa công bố quyết định bổ nhiệm bà Phạm Thị Hiền giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro, kể từ ngày 14/11/2022.