Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nợ xấu tăng, hầu hết các nhà băng cắt giảm chi phí, không chia cổ tức bằng tiền mặt, thậm chí chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ các doanh nghiệp, thì ở khía cạnh khác Hội đồng Quản trị (HĐQT) vẫn trình cổ đông giữ nguyên mức thù lao hoặc tăng khiến cổ đông một số ngân hàng không đồng tình.
Chi tiền tỷ cho lãnh đạo
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang tác động tới kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm nay, nhiều mục tiêu kinh doanh sụt giảm. Một số ngân hàng phải tính toán đến việc cắt giảm chi phí, không tuyển thêm nhân sự. Thế nhưng, chi phí thù lao cho dàn lãnh đạo vẫn tăng so với năm ngoái.
Mới đây, Techcombank công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2020, trong đó đặt mục tiêu lãi trước thuế 2020 chỉ tăng 1% so với năm 2019 ở mức 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trình cổ đông mức thù lao cố định cho các thành viên HĐQT, BKS năm 2020, Techcombank nâng từ mức 32 tỷ đồng trong năm 2019 lên mức 34 tỷ đồng trong năm nay.
Trong tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ năm 2020, ABBank đề nghị thù lao của HĐQT và BKS tăng 10% so với năm 2019. Cụ thể, tổng mức chi thù lao và thù lao kiêm nhiệm cho thành viên HĐQT, thành viên BKS năm 2020 là 24,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, nếu lợi nhuận vượt mục tiêu thì quỹ thưởng dành cho thành viên HĐQT và BKS là 1% phần lợi nhuận đạt kế hoạch và 5% phần lợi nhuận vượt kế hoạch.
Theo văn bản này, mức thù lao trên được HĐQT căn cứ tình hình phát triển của ABBank năm 2020, căn cứ trách nhiệm của các thành viên HĐQT và BKS đảm bảo ngân hàng phát triển an toàn, bền vững trong tình hình thị trường, kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và trên cơ sở cơ chế thù lao, thưởng gắn với kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Cụ thể, Trong năm 2020 này, ABBank dự kiến tổng tài sản sẽ tăng 8,2% so với năm 2019, đạt 110,918 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt gần 70.000 tỷ đồng và huy động vốn đạt gần 67.000 tỷ đồng.
Với các chỉ tiêu này, ngân hàng dự kiến tổng thu nhập sẽ đạt 4.260 tỷ, tăng 18% so với năm liền trước. Sau khi trừ các chi phí phát sinh, ABBank dự kiến thu về khoản lợi nhuận trước thuế 1.358 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến cải thiện năng suất lao động của nhân viên từ 310 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/người vào năm 2019 lên 342 triệu đồng/người.
Thù lao khó giảm
Có thể thấy, thù lao cho HĐQT và BKS luôn là vấn đề nóng tại các mùa ĐHCĐ, nhất là năm nay ngành ngân hàng đang bị ảnh hưởng gián tiếp từ dịch bệnh Covid-19 và theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Vì vậy, với những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu và nhiều năm nay chưa chia cổ tức cho cổ đông sẽ có sự "so kè" với thù lao lãnh đạo ngân hàng.
Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, thù lao cho HĐQT và BKS cần phù hợp với công sức của lãnh đạo. Nếu tính trên tổng lợi nhuận thì mức trên là không cao, thậm chí chưa xứng với công sức của lãnh đạo cấp cao ngân hàng.
Tại ĐHCĐ năm 2020, HĐQT Sacombank tiếp tục trình ĐHCĐ thông qua mức thù lao HĐQT, BKS ngang bằng với năm 2019 là 2% trên tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Đáng nói, năm nay ngân hàng dự kiến lãi trước thuế hợp nhất đạt 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với kết quả năm 2019. Điều này khiến nhiều cổ đông bức xúc vì nhiều năm qua không nhận được đồng cổ tức nào, trong khi thù lao của ban lãnh đạo liên tục tăng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sacombank cho rằng, để điều hành hoạt động của ngân hàng các thành viên HĐQT, BKS đã bỏ ra nhiều công sức nên cũng cần có chi phí để trả thù lao cho các thành viên HĐQT, BKS và mức trên không phải là nhiều.
Dù vậy, không ít ý kiến cổ đông cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, nợ xấu tăng, đòi hỏi dự phòng lớn ảnh hưởng đến lợi nhuận, thậm chí có nhà băng bị sụt giảm lợi nhuận mạnh, thì HĐQT và BKS vẫn tăng mức thù lao là không hợp lý.
Có thể thấy, hiện nay ngân hàng đều chỉ công bố mức chi thù lao chung cho các lãnh đạo chứ không tiết lộ cụ thể riêng vị trí nào và cũng có sự chênh lệch đáng kể nhưng rõ ràng các số liệu ấy cũng cho thấy các lãnh đạo ngân hàng đang được nhận lương thưởng và đãi ngộ vào hàng bậc nhất so với nhiều ngành khác.
Theo Thời báo Kinh doanh