Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cổ đông là 11/10. Thời gian thực hiện dự kiến từ 15/10 - 27/10. Tỷ lệ thực hiện là 1 cổ phiếu tương đương với 1 quyền biểu quyết. Hiện tại, kế hoạch tăng vốn cụ thể chưa được ngân hàng công bố.
Tại đại hội cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2021, HĐQT TPBank chỉ thông qua một phương án tăng vốn trong năm nay là phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. qua đó, tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng lên gần 11.717 tỷ đồng.
Mới đây, TPBank đã phát hành thành công số cổ phiếu trên với giá 33.000 đồng/cp. Tổng số tiền ngân hàng thu về từ đợt phát hành là 3.300 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi phí (đã bao gồm VAT) là hơn 18,1 tỷ đồng; tổng thu ròng từ đợt chào bán là gần 3.282 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, ngân hàng dự kiến không chia cổ tức trong năm nay mà sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tại ĐHĐCĐ vào tháng 4, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho hay: "Trong năm 2021 chúng tôi chưa đưa kế hoạch chia cổ tức không có nghĩa là chúng tôi không chia, mà nó đặt ra vấn đề là chia bao nhiêu vì năm nay có khá nhiều việc chúng ta phải làm như đầu tư ngân hàng số, mua công ty tài chính".
Ngoài ra, ông Phú cũng cho biết sau khi cân nhắc, TPBank sẽ gửi cho các cổ đông dự kiến về việc chia cổ tức vào một thời điểm thích hợp. Như vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng việc ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong đợt tăng vốn lần này.
Chốt phiên giao dịch hôm qua (27/9), giá cổ phiếu TPB giảm mạnh 3,85% xuống còn 40.000 đồng/cp. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao gấp 1,5 lần so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu TPB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Về kết quả kinh doanh, trong nửa đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 6.233 tỷ đồng, tăng 27,74% trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 4.010 tỷ đồng, tăng 43,2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, lãi từ hoạt động dịch vụ, bao gồm hoạt động thanh toán, ngân quỹ, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn, trong 6 tháng đầu năm đã tăng tới 119% so với cùng kỳ năm trước. Trái lại, lãi từ kinh doanh ngoại hối và các hoạt động kinh doanh khác đều lần lượt là 18,6% và 89%.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận đạt hơn 242.000 tỷ đồng, gần đạt mục tiêu của cả năm là 250.000 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 10,2% lên 132.204 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cho vay cũng tăng lên 15,4% so với cùng kỳ năm trước (1.906 tỷ đồng)
Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của TPBank tính đến cuối tháng 6/2021 là 1.519 tỷ đồng, chiếm 1,15% tổng dư nợ, tăng 7% so với cuối năm 2020. Chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng 31% lên 871 tỷ đồng.
Theo kinh tế chứng khoán