Nở rộ dịch vụ đảo nợ thẻ tín dụng
Nắm bắt nhu cầu của người sử dụng thẻ tín dụng là cần rút tiền mặt như một khoản vay nên dịch vụ này nở rộ. Nếu như trước đây, các giao dịch còn hoạt động kín đáo, bí mật thì nay được quảng cáo rầm rộ, công khai trên các website, Facebook, Zalo.
Chỉ cần vào Facebook, nhập từ khóa "rút tiền - đáo hạn thẻ tín dụng", bạn sẽ thấy kết quả xuất hiện vài chục tài khoản môi giới thực hiện dịch vụ này. Các tài khoản này hứa hẹn dịch vụ an toàn, bảo mật và thực hiện nhanh chóng.
Dịch vụ đảo nợ thẻ tín dụng nghĩa là các công ty cung cấp dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản của chủ thẻ để ngân hàng tính toán và cắt nợ. Ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức cho chủ thẻ, bên làm dịch vụ sẽ cà thẻ qua máy POS (máy quẹt thẻ thanh toán) để thu nợ và thu luôn phí. Việc thu nợ được thực hiện dưới hình thức mua hàng hóa (nhưng thực chất không mua hàng).
Xuất phát điểm của dịch vụ này từ một số tiệm vàng lớn, có máy POS cho khách cà thẻ rút tiền mặt dưới hình thức mua vàng với mức phí khoảng 3% trên số tiền rút. Thấy nhu cầu nhiều, nên một số cửa hàng kinh doanh các dịch vụ khác có lắp máy POS đã nhập cuộc để hưởng phí, đẩy doanh số thanh toán tại cửa hàng lên cao.
Hạn mức được rút là toàn bộ số tiền có trong thẻ và khách hàng có thể được chuyển qua trả góp hàng tháng với nhiều kỳ hạn khác nhau.
Về bản chất, đây là dịch vụ “khống” vì khách hàng không mua hàng hay sử dụng dịch vụ, nhưng các cửa hàng vẫn cà thẻ thanh toán, sau đó chi tiền mặt cho khách hàng để hưởng phí.
Mức phí sẽ không cố định mà dao động tùy theo từng loại thẻ của ngân hàng, có quá sát ngày hết hạn miễn lãi hay không và ngân hàng có cho chuyển khoản để thanh toán nợ thẻ hay phải đi nộp trực tiếp. Nếu quá gần ngày đáo hạn, mức phí sẽ trên 2% vì khi đó bên dịch vụ phải đến nộp trực tiếp tại ngân hàng để tránh bị tính lãi cao áp cho thẻ tín dụng.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Nhiều ngân hàng lên tiếng cảnh báo về rủi ro khi khách hàng thực hiện dịch vụ đảo nợ thẻ tín dụng. Đây là một dịch vụ biến tướng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về lâu dài.
Khi thực hiện dịch vụ, có khách hàng được chuyển khoản đến tài khoản cá nhân nhưng số tiền nhận được ít hơn nhiều so với số tiền đã ghi nợ trên thẻ trước đó. Hoặc có trường hợp khách hàng bị kẻ xấu sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch trái phép chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tuyến.
Bên cạnh đó, người có ý định sử dụng dịch vụ này cần phải cảnh giác, vì nguy cơ rò rỉ thông tin tài khoản cá nhân hoặc bị chiếm đoạt tài khoản cá nhân và bị mất tiền trong tài khoản.
Trong quá trình đáo hạn thẻ tín dụng, các điểm cung cấp dịch vụ sẽ giữ lại thẻ và CMND/CCCD của bạn để hoàn tất thanh toán. Lúc này, thẻ tín dụng của bạn có thể bị ghi lại thông tin để sử dụng vào mục đích xấu.
Hơn nữa, bạn còn có thể bị đánh cắp mã OTP bằng cách cài mã độc vào điện thoại hoặc chuyển hướng mã OTP bằng cách: gửi đường link gắn mã độc vào email, tin nhắn, Facebook, Zalo; đăng những bài viết chứa phần mềm độc hại có nội dung sốc, gây trí tò mò để người dùng nhấp vào xem; tạo những website giả mạo, có thiết kế giống hệt website chính thức.
Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, nhìn nhận, về bản chất, đáo hạn thẻ tín dụng là một hình thức vay nóng, được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức không chính thống. Khi sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, bên cung cấp dịch vụ sẽ giữ lại thẻ tín dụng cho tới khi cà thẻ rút tiền và thu phí.
“Điều này tiềm ẩn nguy cơ lộ, mất thông tin thẻ tín dụng, dễ khiến thẻ bị hack và phát sinh những rủi ro không đáng có. Bên cạnh đó, việc rút tiền sau khi được cấp lại hạn mức là cung cấp hóa đơn dịch vụ khống cho ngân hàng, bởi khách hàng không mua đồ mà chỉ sử dụng dịch vụ rút tiền mặt. Đây là những giao dịch không hợp lệ và bị ngân hàng cấm”, luật sư Trần Hậu cảnh báo.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu: những điểm cung cấp dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ ngân hàng đã cung cấp hóa đơn dịch vụ khống cho ngân hàng, bởi khách hàng không mua đồ mà chỉ sử dụng dịch vụ rút tiền mặt. Đây không phải những dịch vụ minh bạch và chúng không hợp lệ. Các chủ thẻ cần cẩn thận khi sử dụng dịch vụ.
Tại Chỉ thị 02 vừa được ban hành, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng ngăn chặn giao dịch thanh toán khống nhằm rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.
Một nội dung được nhấn mạnh là các ngân hàng phải chú trọng khâu nhận biết và xác minh thông tin khách hàng, đơn vị chấp nhận thẻ. Ngoài ra, các ngân hàng, các tổ chức thanh toán thẻ cũng phải chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin nhằm kịp thời phát hiện các giao dịch đáng ngờ.
Bên cạnh cảnh báo giao dịch khống, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng chặn các giao dịch thẻ không phù hợp quy định như cờ bạc, cá độ, kinh doanh ngoại hối hoặc dùng thẻ để thanh toán cho hoạt động liên quan đến hoạt động trò chơi có thưởng, tiền ảo, tiền điện tử...
Cùng với đó, ngân hàng phải khuyến cáo, cảnh báo khách hàng không tạo điều kiện cho các đối tượng khác lợi dụng việc sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật như cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán; mua, cho thuê thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ...