Theo tìm hiểu, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam tiền thân là Công ty Chứng khoán Gia Quyền được thành lập vào tháng 12/2010 bởi Công ty TNHH Đầu tư và Chứng khoán Hàn Quốc (Korea Investment Securites) cùng Tập đoàn dệt may Việt Nam và các cổ đông khác. Thời điểm này, KIS Hàn Quốc nắm 48,8% vốn công ty.
Đến cuối năm 2013, KIS Việt Nam chính thức về tay các ông chủ Hàn Quốc khi Korea Investment Securites đã được chấp thuận nhận chuyển nhượng gần 11,5 triệu cổ phiếu từ tập đoàn Dệt may Việt Nam và 79 nhà đầu tư, nâng tỷ lệ nắm giữ tại KIS Việt Nam từ 48,795% lên 92,3%.
Sự hậu thuẫn của ông chủ Hàn Quốc là bước ngoặt lớn giúp KIS Việt Nam liên tục tăng mạnh vốn.
Cụ thể, ngay sau khi về tay cổ đông ngoại, KIS Việt Nam đã tăng vốn từ 263,6 tỷ đồng lên hơn 1.112 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 – quý I/2021, vốn chủ sở hữu công ty đã tăng gấp 2,78 lần từ 1.111 tỷ đồng lên 3.095 tỷ đồng.
Nhờ đó, KIS Việt Nam có thể liên tục mở rộng các phòng giao dịch, cùng với tăng cường tuyển dụng môi giới. Quan trọng hơn, với nguồn vốn dồi dào, KIS Việt Nam có thể đẩy mạnh nghiệp vụ cho vay margin.
Kết thúc năm 2020, KIS Việt Nam đứng vị trí thứ 9 với thị phần 3,6% trong top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền cao nhất sàn HOSE.
Dữ liệu cho thấy, dư nợ cho vay margin của KIS đã tăng 6,44 lần từ cuối năm 2016 lên đến 4921,6 tỷ đồng tại ngày 31/3/2021. Tính ra, tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu cuối kỳ BCTC quý I/2021 công ty đạt 159,02%, cao nhất tính từ năm 2015 trở lại đây.
Vừa qua, KIS cho biết đã được UBCKNN chấp thuận phương án phát hành gần 117 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:45. Giá chào bán dự kiến bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đợt phát hành thành công, KIS sẽ huy động được hơn 1.100 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên gần 3.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sự hậu thuẫn của nhóm cổ đông ngoại với KIS còn đến từ những khoản vay với lãi suất siêu rẻ. Đơn cử, tính tại ngày 31/12/2020, KIS Việt Nam vay công ty mẹ Korea Investment Holding 1.853 tỷ đồng với lãi suất 4,6%, không có tài sản đảm bảo.
Nhờ nguồn lực dồi dào từ công ty mẹ, doanh thu hoạt động của KIS liên tục tăng trưởng.
Riêng quý I/2021, với những thuận lợi từ thị trường chứng khoán, doanh thu hoạt động của KIS đạt gần 723,4 tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ; thậm chí còn suýt soát bằng cả năm ngoái (892,4 tỷ đồng).
Xét về cơ cấu doanh thu, có thể thấy, doanh thu hoạt động Chứng khoán KIS Việt Nam chủ yếu được cấu thành bởi: Nghiệp vụ môi giới chứng khoán 84,8 tỷ đồng (chiếm 11,7%); lãi từ các khoản cho vay và phải thu 91,6 tỷ đồng (chiếm 12,7%); lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ 392 tỷ đồng (chiếm 54,2%).
Trừ đi các chi phí và thuế, Chứng khoán KIS Việt Nam ghi nhận lãi sau thuế quý I/2021 là 104,4 tỷ đồng, tăng 202% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, KIS Việt Nam trong riêng quý I/2021 đã hoàn thành 36% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trước năm 2020, doanh thu của KIS Việt Nam chủ yếu được cấu thành bởi nghiệp vụ môi giới chứng khoán và lãi từ các khoản cho vay và phải thu.
'Ông vua" chứng quyền
Như Nhadautu.vn từng đề cập, KIS Việt Nam là nhà phát hành chứng quyền đầu tiên (cùng 6 đơn vị khác) và tích cực nhất trên thị trường chứng khoán.
Theo thống kê, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam là đơn vị đứng đầu với 34 đợt phát hành, tương đương 133,8 triệu khối lượng chứng quyền đăng ký niêm yết, chiếm 45,23% toàn thị trường.
Đáng chú ý, khối lượng/giá trị giao dịch chứng quyền mà KIS Việt Nam thực hiện luôn ở mức rất lớn so với khách hàng. Cụ thể, trong năm 2020, giá trị giao dịch chứng quyền mà KIS thực hiện là 1.259,9 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần so với khách hàng. Năm 2019, tỷ lệ này thậm chí còn lên đến 10 lần.
Mức chênh lệch này cao hơn rất nhiều so với các CTCK có tỷ trọng khối lượng chứng quyền đăng ký niêm yết lớn trên thị trường như CTCP Chứng khoán VnDirect (VNDS), CTCP Chứng khoán MB (MBS) hay CTCP Chứng khoán SSI (SSI).