Sáng 16/6, ACB (HNX: ACB)họp cổ đông thường niên trình kế hoạch tổng tài sản tăng 12%, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 12%. Tín dụng tăng 11,75% (theo chỉ tiêu của NHNN). Tỷ lệ nợ xấu được đặt mục tiêu kiểm soát dưới 2%. Ban điều hành đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 7.636 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước.
Cổ đông sẽ thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, tương đương phát hành cho cổ đông hiện hữu gần 499 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 21.615 tỷ đồng.
Cổ đông cũng sẽ xem xét thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế với khối lượng tối đa 10% tổng huy động tiền gửi khách hàng. Lãi suất trái phiếu tính theo thị trường tại thời điểm phát hành. Mục đích phát hành nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2, bổ sung vốn kinh doanh cho vay trung, dài hạn.
Trong kế hoạch 5 năm, ngân hàng lên kế hoạch tổng tài sản tăng bình quân 15%/năm, tiền gửi khách hàng, tín dụng tăng 15%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế được đặt mục tiêu tăng 12-20% mỗi năm.
HĐQT trình bổ sung nghiệp vụ kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh, đầu tư hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, ví điện tử.
HĐQT sẽ trình cổ đông chuyển niêm yết cổ phiếu sang Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).
Kỳ vọng chuyển sàn trong tháng 11 - 12
Đề cập trong tờ trình, lãnh đạo ngân hàng cho biết Chính phủ đã phê duyệt đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HoSE quản lý, sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Do đó, việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HoSE chỉ là vấn đề thời gian.
Bên cạnh đó, khi chuyển sang HoSE, cổ phiếu ACB có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)… từ đó có thể tăng giá trị thị trường. Thời gian chuyển sàn sẽ được ủy quyền cho HĐQT quyết định.
Chia sẻ tại phiên họp, Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết lộ trình chuyển sàn có 2 bước. Bước đầu tiên là chia cổ tức, bước thứ hai là chuyển sàn. ACB dự kiến sẽ chia cổ tức trong tháng 9 và sẽ chuyển sàn trong tháng 11, 12. Kế hoạch này là mong muốn chủ quan của ban lãnh đạo và ban điều hành, kỳ vọng có thể hoàn thành trong năm 2020.
Phiên họp cổ đông của ACB sáng 16/6. Ảnh: Internet |
Tính đến 31/5, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 4%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (8%) và năm 2018 (là 10%). Năm nay, tín dụng tăng chậm hơn. Ban lãnh đạo sẽ cân đối phù hợp với chỉ tiêu tín dụng và bối cảnh tình hình hiện nay.Lãi 3.500 tỷ đồng, tín dụng tăng 4% sau 5 tháng
Mặt khác, ông Toàn cho biết biên sinh lời cho vay của ngân hàng hạ xuống còn 2,9% từ mức 3% như mọi năm, thấp nhất lịch sử trong bối cảnh ACB hy sinh lãi vay hỗ trợ khách hàng nhằm giữ khách hàng ở lại.
ACB dự kiến tổng quy mô dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không quá 15.000 tỷ đồng và tổng số lãi không đưa vào thu nhập khoảng 600 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân lợi nhuận ngân hàng ở mức hơn 7.000 tỷ đồng thay vì khoảng 8.000 tỷ đồng. Lãi cơ cấu theo Thông tư 01 sẽ không mất mà chỉ chậm thu trong tương lai.
Lãi trước thuế tính đến 31/5 đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập phí giảm khoảng 20%, nhưng ngân hàng đã bù đắp bởi hoạt động banccasurance và thẻ.
Trong quý I, ngân hàng lãi trước thuế 1.924 tỷ đồng, tăng 13%, tương đương 25% kế hoạch. Tổng tài sản là 387.396 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Cho vay khách hàng ở mức 274.793 tỷ đồng, tăng 2% lên 274.793 tỷ đồng, trong khi tiền gửi tăng 1% ở mức 312.653 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 1.790 tỷ đồng, tăng 23%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,54% lên 0,65%.
Sửa sang lại khoản nợ liên quan đến "bầu" Kiên để bán được giá
Hiện nay dư nợ nhóm 6 công ty liên quan đến "bầu" Kiên là 800 tỷ đồng, nợ lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Giá trị tài sản đảm bảo của khoản nợ là 2.000 tỷ đồng, bao gồm tài sản thanh khoản cao, đủ khả năng để thu hồi nợ trong thời gian tới.
Lãnh đạo ACB cho hay đến nay, ngân hàng đã trích lập toàn bộ số nợ trên. Do đó, nếu thu hồi hoặc thanh lý tài sản đảm bảo sẽ có thêm lãi khoảng 800 tỷ đồng. Dù vậy việc thanh lý tài sản nhiều vấn đề, cần tìm người mua, cần sự hợp tác của bên liên quan. Ngân hàng hy vọng có thể thanh lý, thu hồi trong năm 2020 và 2021.
"Nhưng trước khi bán, ngân hàng cũng cần 'sửa sang' lại để có bán được giá. Bán được bao nhiêu ngân hàng sẽ có thêm lợi nhuận bấy nhiêu", ông Toàn nói.
Phiên họp kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Theo Người đồng hành