Khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của Dược phẩm Viễn Đông tại ABBank đã đi về đâu?

Theo Đầu tư VN/Sở hữu trí tuệ 06:01 04/06/2020

Ngân hàng An Bình là một chủ nợ vay lớn nhất của DVD, một trong số những doanh nghiệp phải đối mặt với bi kịch nợ nần khi ông chủ dính vào vòng lao lý.

Năm 2010, cổ phiếu DVD của CTCP Dược phẩm Viễn Đông là một trong những hàng hot trên thị trường và có những chuỗi tăng điểm kéo dài, thanh khoản lớn, được các nhà đầu tư cực kỳ quan tâm.

Tuy nhiên, sự việc đã nhanh chóng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phơi bày, khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Dũng là người chủ mưu cùng một số người khác thao túng cổ phiếu DHT để nhằm thâu tóm CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT).

Đồng thời, ông Lê Văn Dũng cùng một số đối tượng lập ra nhiều công ty “ma” cho người thân trong gia đình và bạn bè đứng tên làm lãnh đạo. Thực chất mọi việc do ông Dũng chỉ đạo thực hiện để kinh doanh lòng vòng, làm giả các hợp đồng có giá trị lớn, cung cấp thông tin sai sự thật, doanh thu của DVD... để lừa đảo nhà đầu tư.

Ngoài ra, ông Dũng cũng trực tiếp chỉ đạo việc thao túng làm giá cổ phiếu DVD.

--

Ông Lê Văn Dũng sinh năm 1972, là người đầu tiên bị xử lý tội thao túng chứng khoán.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc. Ngoài ông Dũng thì em trai ông là Lê Văn Mạnh và bà Cao Hồng Vân, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kiêm Kế toán trưởng DVD, cũng bị bắt giữ.

Cuối năm 2011, ông Lê Văn Dũng bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên án 4 năm tù, ông Lê Văn Mạnh 2 năm tù. Đây được coi là vụ án điểm đối với tội danh thao túng chứng khoán kể từ khi thị trường chứng khoán ra đời tại Việt Nam.

Đã có nhiều vấn đề được đặt ra khi cổ phiếu DVD bị huỷ niêm yết và CTCP Dược phẩm Viễn Đông rơi vào tình trạng lao đao, khi còn đó những khoản nợ ngân hàng lên đến trăm tỷ. Doanh nghiệp thì khó có khả năng trả nợ, còn ngân hàng ngồi trên đống lửa và chờ đợi, biết bao giờ mới lấy được món nợ khổng lồ.

Tháng 3/2010, do cần tiền đáo hạn khoản vay 100 tỷ đồng tại Ngân hàng An Bình, ông Dũng có chủ trương cầm cố hơn 600.000 cổ phiếu của mình và 540.000 cổ phiếu của Đào Xuân Hương (thành viên HĐQT Dược Viễn Đông kiêm Tổng GĐ Cty CP liên doanh LiLi of France (LOF) - Cty con của Dược Viễn Đông) đang lưu ký tại Cty CP Chứng khoán Bảo Việt.

Để thực hiện giải ngân cho các khoản vay trên, ông Dũng chỉ đạo cấp dưới là Cao Hồng Vân (Phó Tổng GĐ kiêm Kế toán trưởng) xây dựng hồ sơ vay vốn cho cá nhân ông Dũng và bà Hương.

Theo đó, ông Dũng và bà Vân làm giả một số tài liệu để lừa dối ngân hàng, trong đó có hợp đồng mua bán với Cty TNHH Thực phẩm Châu Úc; hợp đồng kinh tế với Cty CP Dược phẩm SAVI… Bà Vân còn chỉ đạo Lương Thị Thủy (Kế toán trưởng Cty LOF), Hoàng Thị Nhung (kế toán Cty Dược Viễn Đông) giả chữ ký của Chủ tịch hội đồng thành viên Cty TNHH Thực phẩm Châu Úc; làm giả chữ ký Tổng GĐ và scan con dấu của Cty CP Dược phẩm SAVI.

Do bộ hồ sơ giả trên, Ngân hàng An Bình (ABBank) đã giải ngân cho ông Dũng 34 tỷ đồng, giải ngân cho bà Hường 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, Dược Viễn Đông không có khả năng thanh toán.

Theo báo cáo kiểm toán hợp nhất 6 tháng năm 2010, tổng số nợ vay ngắn hạn của DVD tại thời điểm 30/6/2010 là 491.5 tỷ đồng và vay nợ dài hạn là 68.5 tỷ đồng. Chi tiết của các khoản vay chỉ được cung cấp trong báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2010, và biến mất trong các báo cáo sau đó.

Ngân hàng An Bình đã cho vay tổng cộng 368 tỷ đồng, gồm: 300 tỷ đồng nợ ngắn hạn với tài sản thế chấp gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ 1,7 triệu USD, hàng tồn kho và các khoản phải thu tối thiểu bằng 150% dư nợ vay, tài sản của Lili of France hình thành từ tài sản vốn vay, 01 triệu cổ phiếu DVD từ ông Lê Văn Dũng, và 14 mảnh đất…; 68 tỷ đồng nợ dài hạn được thế chấp bằng tài sản của Lili of France hình thành từ vốn vay.

Theo tìm hiểu, tài sản có giá nhất của DVD là Nhà máy Lili of France (Bắc Ninh), nhưng hiện tại, DVD vẫn chưa bán được, dù có đối tác bày tỏ sự quan tâm. Một trong các lý do khiến người mua không mấy mặn mà là suất đầu tư của nhà máy DVD đang nắm khá cao so với các DN cùng ngành, gây khó khăn cho việc mua lại hay đầu tư tiếp (Nhà máy đã được đầu tư 300/456 tỷ đồng dự kiến). Thực tế, khi DVD tổ chức ĐHCĐ, Nhà máy Lili of France đã phải ngưng hoạt động từ trước đó một tháng. Sau đại hội, Nhà máy đã khôi phục sản xuất, nhưng chỉ ở mức cầm chừng. Để cắt giảm chi phí, số công nhân từ vài trăm người nay giảm xuống còn vài chục người.

Đáng lưu ý là Ngân hàng An Bình cũng là một chủ nợ vay lớn nhất của DVD (theo số liệu đến 30/6/2-10 là 368 tỷ đồng) trong số các ngân hàng cho DVD vay vốn thời điểm đó.

Cần để ý rằng DVD vẫn còn chưa công bố các báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho năm 2010 và các báo cáo quý nửa đầu năm 2011. Như vậy, khi mà các báo cáo tài chính và thông tin chi tiết không được công bố, có lẽ chỉ có DVD, hoặc may mắn hơn là các chủ nợ ngân hàng như ABBank mới biết khối tài sản này đang ở đâu, đã đi đâu về đâu?!

Minh Quân

Bạn đang đọc bài viết Khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của Dược phẩm Viễn Đông tại ABBank đã đi về đâu? tại chuyên mục Báo cáo tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Báo cáo tài chính