SHB sẽ tăng vốn lên 19.313 tỷ đồng sau khi chia cổ tức |
Lợi nhuận kế hoạch tăng 8%, thoái vốn SHBFC thu thặng dư vốn
Ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (mã SHB) dự kiến tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 15/6 tới đây. Theo tờ trình gửi đến các cổ đông, SHB đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng và huy động vốn lần lượt là 15% và 16%. Quy mô tổng tài sản tăng 11,8% lên 408.448 tỷ đồng. Thị phần cấp tín dụng năm 2020 xếp thứ 3 trong hệ thống NHTMCP tư nhân (không tính nhóm Big 4 ngân hàng có vốn Nhà nước) với 306.122 tỷ đồng dư nợ.
Lợi nhuận trước thuế năm 2020 phấn đấu đạt 3.268 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 7,99%. Trước đó, trong năm 2019, Lợi nhuận trước thuế đạt 3.026 tỷ đồng, tăng 44,5% so với năm 2018 nhưng cũng chỉ mới hoàn thành 99% kế hoạch đề ra. Kế hoạch kinh doanh năm 2020 trong bối cảnh kinh tế mới được đặt ra thận trọng hơn đáng kể.
SHB dự kiến trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%, toàn bộ bằng cổ phiếu. Việc chi trả cổ tức dự kiến thực hiện vào quý III/2020, nâng vốn điều lệ của SHB từ 17.558 tỷ đồng lên 19.313 tỷ đồng. Chi thù lao HĐQT và Ban kiểm soát năm 2019 là 27,5 tỷ đồng.
Khá nhiều ngân hàng đã lựa chọn không chia cổ tức kể cả bằng tiền mặt lẫn cổ tức, mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận do bối cảnh đặc biệt của năm 2020. Trong năm 2019, SHB đã trích lập 4.232 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC, và thực hiện tất toán trước hạn toàn bộ 5.773 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC đã được NHNN gia hạn đến 2024. Nhờ đó SHB đã đủ điều kiện được chia cổ tức và hoàn thành việc chia cổ tức năm 2017 và 2018 cho cổ đông.
Vốn điều lệ của SHB tăng từ 12.036 lên là 17.558 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2020 sau khi ngân hàng hoàn thành việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm 3.007 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ. Tăng nhanh quy mô vốn cũng sẽ tạo nên áp lực pha loãng đáng kể cho cổ phiếu nhà băng này.
Cũng trong tờ trình gửi đến các cổ đông ở kỳ đại hội lần này, SHB xin ý kiến cổ đông về việc thoái vốn tại Công ty tài chính MTV Ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (SHB FC). Công ty này đến nay đã có lãi liên tiếp trong ba năm, quy mô tài sản năm nay dự kiến đạt 5.200 tỷ đồng với mạng lưới mở rộng tới 34 tỉnh thành.
Sự phát triển này được SHB đánh giá “hội tụ đủ điều kiện để tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài”. SHB do đó muốn chuyển nhượng một phần vốn của SHB (hiện là 100% vốn), dự kiến đem lại thặng dư vốn đáng kể, nâng cao hình ảnh SHB, kết nối thị trường quốc tế qua chính nhà đầu tư chiến lược.Tờ trình gửi cổ đông hiện chưa đưa ra mốc thời gian dự kiến cho hoạt động thoái vốn này.
Chuyển sàn HoSE để hút nhà đầu tư chiến lược?
Không chỉ SHBFC tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, bản thân SHB cũng muốn “đẩy mạnh hình ảnh” tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đây là một trong các lý do SHB muốn chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE. Ngân hàng này dự kiến trình cổ đông kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu trong kỳ đại hội lần này. Thời điểm chuyển niêm yết cụ thể cùng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã được đề nghị ủy quyền cho HĐQT quyết định.
Trước SHB, Ngân hàng TMCP Á Châu cũng đưa ra tờ trình chuyển sàn niêm yết tương tự. Trên HNX, cả ACB và SHB là cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn nhất của sàn chứng khoán này.