Điểm nhấn trong Biên bản Đại hội
119 cổ đông, trong đó 48 trực tiếp, qua uỷ quyền 71 người, đại diện cho 292.871.401 cổ phần, chiếm 83,678% cổ phần có quyền biểu quyết đã tham dự ĐHĐCĐ thường niên ngày 20/6/2020 của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).
Đây là số lượng cổ đông cũng như tỷ lệ cổ phần tham dự cao kỷ lục từ năm 2015. Năm 2019 là 76 cổ đông, 76,16% cổ phần; còn năm 2018 là 92 cổ đông, 78,5% cổ phần.
Đại hội đã thông qua nhiều chủ trương quan trọng, gồm báo cáo kết quả năm 2019 và kế hoạch kinh doanh năm 2020 của HĐQT, TGĐ, BKS; phương án tăng vốn điều lệ năm 2019; thông qua sửa đổi, bổ sung điều lệ; hay miễn nhiệm và thay thế hai thành viên hội đồng quản trị.
Một diễn biến bất ngờ là các tờ trình của HĐQT VietABank không còn nhận được sự đồng thuận gần như 100% như các năm trước, khi có hai nhóm cổ đông, lần lượt nắm 6,3% và 1,2% thường xuyên bỏ phiếu trắng (không có ý kiến) hoặc phủ quyết với 10 tờ trình.
Trong đó, nhóm cổ đông lớn nắm 6,3% cổ phần, tương đương 7,548% cổ phần tham dự Đại hội bỏ phiếu trắng tại 8 nội dung và phủ quyết ở hai nội dung là báo cáo về việc thực hiện phương án tăng vốn điều lệ năm 2019 và phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2019; còn nhóm 1,2% bỏ phiếu trắng ở 4 nội dung là phương án tăng vốn, phương án phân phối lợi nhuận, sửa đổi bổ sung Điều lệ và uỷ quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT, BKS.
Đây là chuyển động rất đáng chú ý ở VietABank - nhà băng trước giờ mang đậm dấu ấn chi phối của Chủ tịch Phương Hữu Việt cũng như cổ đông lớn Việt Phương Group, và cũng rất hiếm khi xuất hiện ở giới buôn tiền, khi các ông chủ nhà băng được cho là luôn duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối và tìm kiếm được sự thống nhất với các nhóm cổ đông khác. Một số trường hợp ngoại lệ, gần như chỉ xuất hiện ở các ngân hàng có tranh chấp như Eximbank hay EVN Finance.
Với tỷ lệ khoảng 7,5%, nhóm cổ đông "lạ" ở VietABank lẽ tất nhiên chưa thể tác động tới kết quả của từng tờ trình, tuy nhiên việc không bỏ phiếu thuận vẫn thể hiện thái độ đối lập, trái chiều, và theo Điều lệ hiện hành, nếu nâng được tỷ lệ sở hữu lên trên 10%, nhóm này sẽ có những quyền đáng kể giám sát hoạt động của ngân hàng.
Do đó, diễn biến này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy minh bạch hoá hoạt động của VietABank - một trong những nhà băng bí ẩn nhất hiện nay. Dù vậy, bất kỳ một mong đợi nào của cả cổ đông lẫn cơ quan quản lý nhà nước về một sự lành mạnh hơn ở VietABank chắc hẳn sẽ không thể được đáp ứng một cách dễ dàng, có thể mường tượng qua phần sau của bài viết.
"Đế chế" họ Phương ở VietABank
Ngay trước thềm ĐHĐCĐ, VietABank đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Trong số 150,5 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:43, có 64,7% cổ phần phát hành thành công, số còn lại không phân phối được.
Lưu ý giá cổ phiếu VietABank trên sàn OTC thời gian qua chỉ từ 3.000-5.000 đồng/CP, vậy những ai đã bỏ cả nghìn tỷ mua cổ phần phát hành mới theo mệnh giá, nếu không phải những người đủ sức chi phối VietABank? Con số 64,7%, bởi vậy, phần nào phác hoạ được tỷ lệ sở hữu thực của nhóm cổ đông đang cầm quyền tại nhà băng này.
Trên sổ sách, sau đợt phát hành vừa qua, 3 cổ đông lớn, nắm 27,65% cổ phần VietABank là Việt Phương Group (12,14%), ông Phương Hữu Việt (5,06%) và CTCP Rạng Đông (10,45%). Dù đồng hành cùng Việt Phương suốt một thập kỷ qua, song vai trò của Rạng Đông của đại gia Bình Thuận Nguyễn Văn Đông tại VietABank là không mấy nổi bật.
Ở chiều hướng ngược lại, đề cập tới VietABank là phải nhắc tới Việt Phương Group và doanh nhân Phương Hữu Việt. Nhưng, quyền lực của vị đại gia Bắc Ninh đến đâu thì không phải ai cũng tường minh.
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, VietABank đã thông qua miễn nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT Phương Xuân Thuỵ và Thành viên độc lập Nguyễn Thị Lan Hương, đồng thời bầu bổ sung Thành viên Phương Minh Huệ và Thành viên độc lập Nguyễn Hồng Hải. Đây thực ra chỉ là pha "đảo vai" của nhóm Việt Phương, bởi ông Thuỵ là em trai bà Huệ, còn nữ doanh nhân họ Phương hiện là TGĐ kiêm Người đại diện theo pháp luật của CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.
Trong HĐQT 6 người của VietABank, ngoài Chủ tịch Phương Hữu Việt, còn 3 cái tên là Phó Chủ tịch Phan Văn Tới cùng 2 Thành viên Nguyễn Văn Hảo và Trần Tiến Dũng. Trong đó, ông Hảo, dù vừa thôi chức Tổng giám đốc, song nên biết, là một trong những "cánh tay" đắc lực của Chủ tịch VietABank. Phu nhân của ông Hảo - bà Hàn Thị Khánh Vinh là Phó TGĐ Việt Phương Group, và là Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Tổng công ty Dược Việt Nam - nơi Việt Phương là cổ đông chiến lược.
Về phần mình, ông Phan Văn Tới cũng có những mối liên hệ nhất định. Doanh nhân sinh năm 1957 hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi - nơi Việt Phương cũng đang là cổ đông lớn. Còn với ông Trần Tiến Dũng, dù không có những "sợi dây" trực tiếp, nhưng Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ VietABank cũng nhận được sự tin tưởng lớn, nhiều lần được ông Phương Hữu Việt uỷ quyền thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.
Phu nhân ông Phương Hữu Việt - bà Đỗ Lê Minh không trực tiếp tham gia vào HĐQT hay Ban TGĐ, song cũng có vai trò lớn tại VietABank, từng giữ chức Giám đốc Khối Quản trị nguồn Nhân lực, và từ 7/2017 đến nay là Phó Chủ tịch Uỷ ban Chiến lược và Nhân sự. Theo Nghị quyết ngày 19/9/2017, bà Đỗ Lê Minh còn được HĐQT phân công hỗ trợ công tác điều hành tại VietABank.
Ngày 30/6 vừa qua, VietABank công bố miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Hảo. HĐQT nhà băng này đã phân công ông Nguyễn Văn Trọng làm Phó TGĐ Phụ trách điều hành từ ngày 1/7/2020.
Ông Nguyễn Văn Trọng sinh năm 1970, được HĐQT VietABank bổ nhiệm làm Phó TGĐ kiêm Giám đốc Khối Tài chính từ 1/5/2020, đồng thời kiêm luôn phụ trách công tác kế toán thay cho Kế toán trưởng Lã Quang Trung bị miễn nhiệm.
Doanh nhân đồng hương Bắc Ninh là một "mắt xích" quan trọng trong hệ sinh thái đồ sộ của Chủ tịch VietABank Phương Hữu Việt.
Ông Trọng là người đã đứng ra mua lại cổ phần chi phối trong CTCP Q7 - chủ đầu tư dự án 1591-1595 Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TP.HCM - từ Kita Group. Đầu năm 2019, ông Trọng cũng đã trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu HFC Việt Nam. Vào giữa tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, doanh nhân năm nay bước qua tuổi ngũ tuần lần lượt rút khỏi vị trí quản lý ở hai doanh nghiệp này, trong một động thái được cho là để đủ điều kiện trở thành CEO đúng nghĩa của VietABank.
Bộ đôi CTCP Q7, HFC Việt Nam hay dự án 1591-1595 Huỳnh Tấn Phát chỉ là một góc rất nhỏ trong cấu trúc kinh doanh khổng lồ nhưng đặc biệt kín tiếng của Việt Phương Group, hay sau này là Capella Holdings với dòng vốn dồi dào, tất nhiên, gần như toàn bộ đều được thu xếp bởi VietABank.
Theo Nhà đầu tư