"Tôi từng mở 3 công ty: một nhà hàng, một khách sạn, một truyền thông. Cả ba lần khởi nghiệp đều thất bại", vị giám đốc marketing ngân hàng trải lòng.
Phá sản ở tuổi 35 và bắt đầu lại từ vị trí nhân viên, ông Trần Tuấn Việt kinh qua nhiều công ty như Tập đoàn Ocean, FPT... Ở tuổi 45, ông đang giữ vị trí Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị tại VPBank.
"Trước kia tôi làm CEO tôi không vui, nhân viên của tôi cũng không vui. Là một người cha của ba đứa con, tôi dành nhiều thời gian kiếm tiền ở bên ngoài để có thể mang lại hạnh phúc cho con, nhưng đã có lúc vợ chồng tôi stress vì không thể hiểu và không thể dạy con theo cách của mình, thất vọng vì con không đạt được những kì vọng mà mình mong muốn, và chúng cũng không cảm thấy hạnh phúc", ông Việt chia sẻ.
"Ngày xưa tôi thường mong muốn và bắt mình phải đi theo một hình mẫu nào đó, nhưng càng cố vươn cao thì tôi càng rơi xuống đau bởi những bản thiết kế ấy không dành cho mình. Khi mình về đúng bản thiết kế cuộc đời mình thì mọi thứ bắt đầu chạy một cách trơn tru và hài hòa hơn. Tôi bắt đầu lại từ vị trí là một nhân viên, cảm nhận được niềm vui trong những việc mình làm và lan tỏa niềm vui đó những người xung quanh. Tôi dành thời gian cho con, tìm hiểu xem con đam mê điều gì và cùng con phát triển nó. Từ một người bố thất bại, tôi trở thành một người bố hạnh phúc với địa vị thấp đi và con mình lười học hơn".
Mới đây, ông Trần Tuấn Việt đã chia sẻ những câu chuyện nghịch lý của thành công qua trải nghiệm bản thân tại một sự kiện cùng tên do Like A Tree tổ chức. Dưới đây là một phần chia sẻ của ông Việt, mà ông tự nhận mình chỉ là "người xới vườn" - xới lên những nghịch lý trong cuộc sống để người nghe tự đưa ra kết luận.
Ông Trần Tuấn Việt |
1. Thành công của bạn nằm trong tay ai?
Vẫn một cậu bé ấy, chỉ 3 ngày đã chuyển từ thứ hạng 3 thành thứ bét.
Bản chất không thay đổi, nhưng thứ hạng thay đổi. Từ một cậu bé thành công, tôi trở thành một cậu bé thất bại thảm hại. Bởi tôi khóc quá, mẹ đành chuyển tôi về trường cũ.
Góc nhìn của tôi có một nghịch lý, là thành công của bạn nằm trong tay "Người quan sát". Cách nhanh nhất để thành công (vì tôi hay làm tắt) là bạn hãy đổi "Người quan sát".
2. Kẻ thù của thành công là gì?
Là nỗi sợ? Là chính mình? Là sự ngu dốt? Áp lực? Sự so sánh? Tôi thì cho rằng kẻ thù của thành công chính là thành công.
Bằng cấp gốc của tôi ngày xưa là cử nhân Di truyền học - vốn thường bị sếp cũ của tôi là anh Hoàng Nam Tiến, nay là Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, lôi ra "sỉ vả". Tôi sẽ trả lời câu hỏi "kẻ thù của thành công" bằng một ví dụ về tiến hóa.
Khủng long hình thành từ một nhóm bò sát đi bằng 2 chân cách đây khoảng 240 triệu năm, và tồn tại một cách rạng rỡ, chiếm lĩnh tất cả môi trường từ "hàng không", "hàng hải", "đường bộ" của Trái Đất trong gần 200 triệu năm. Về mặt sinh học, sự thành công của khủng long được tạo nên từ 2 yếu tố:
- Khả năng trao đổi chất rất mạnh
- Lười ấp trứng: Khủng long đẻ trứng ra và để trứng tự nở. Đã lười lại còn khỏe. Cho nên có khả năng chiếm lĩnh tất cả các môi trường.
Nhưng cách đây 66 triệu năm, một tiểu hành tinh lao vào Trái Đất (theo lý thuyết của Walter Alvarez cùng với người cha Luis Walter Alvarez và đồng nghiệp). Trái Đất trở nên rất lạnh trong vài nghìn năm.
Với khí hậu lạnh như vậy, việc trao đổi chất mạnh của khủng long là lý do khiến loài động vật này chết rét, trong khi trứng không tự nở được.
Hai lý do dẫn đến thành công của khủng long lại chính là lý do dẫn đến thất bại của chúng. Và hiện thì loài khủng long đã bị tuyệt chủng.
3. Lứa tuổi nào dễ thành công nhất?
Thành công là hoàn thành được điều mình mong muốn. Tuổi sinh học càng cao, khả năng thỏa mãn điều mình làm càng thấp, bởi mình có rất nhiều hệ số để tham chiếu.
Ăn một bát cơm, người lớn người thì cân nhắc "Tôi ăn bát cơm này có nhiều carbon hydrat quá không", "Có bị tiểu đường", người thì tính toán ăn một bát cơm quy đổi bằng bao nhiêu phút chạy trên máy.
Trong khi trẻ con, ăn bát cơm là xong.
Theo quan sát của tôi, tuổi thành công tỷ lệ nghịch với tuổi sinh học.
Cũng như câu chuyện thành công của một doanh nghiệp. Có một nghịch lý thành công là trong doanh nghiệp, họ đo tăng trưởng bằng tỷ lệ phần trăm (%). Ví như năm nay tăng trưởng được 10% là hạnh phúc, dưới 10% là bất hạnh. Nhưng khi con số tuyệt đối càng to, thì 10% của nó thực sự kinh dị.
Ngày tôi về, năm 2013, VPBank lãi 1.400 tỷ đồng. Năm 2019, VPBank lãi trước thuế hơn 10.000 tỷ đồng. 10% của 1.400 tỷ và 10% của hơn 10.000 tỷ là 2 con số không liên quan đến nhau. Vậy mà người ta đo hạnh phúc bằng phần trăm!?
Đây không chỉ là câu chuyện của VPBank mà là câu chuyện của các tổ chức đang phát triển, và phát triển càng nhanh thì khả năng đạt hạnh phúc về sau càng thấp, bởi mọi người đo bằng phần trăm.
4. Thế nào là thành công?
Cá nhân tôi nghĩ thành công chỉ là một trạng thái tâm mà thôi. Tức, ở giây phút đó bạn cảm thấy hạnh phúc, thì đó là thành công. Còn ngay giây phút đó, bạn cảm thấy không thích, thì tức là thất bại.
Xưa người ta mơ Phúc - Lộc - Thọ, muốn sống thật lâu, và cho rằng sống lâu mới hạnh phúc. Vậy có người mắc bạo bệnh không chữa nổi, tự tử thành công để tránh mọi đau đớn thì có phải bất hạnh không?
Sống hay chết không quan trọng, miễn là trạng thái tâm đấy ngay tại giây phút đấy cảm thấy hài lòng là thành công. 1 giây sau thấy không thành công thì thất bại.
Một người leo lên núi cảm thấy thành công, đi xuống trượt rơi xuống vực lại thành thất bại. Thành công và thất bại cách nhau chỉ 1 giây. Thế nên thành công hay thất bại không quan trọng, quan trọng là ở chính giây phút ấy mình thấy hạnh phúc là được. 1 ngày tôi có thể có 1.000 lần thành công.
Mỗi ngày tôi ngủ dậy, xoa mắt như các sư Làng Mai dạy, hát một bài ca ngợi cơ thể. Và cực kỳ vui, hạnh phúc khi mình có đủ mắt, mũi, chân, tay... Khởi động ngày mới bằng việc biết ơn chính cơ thể mình.
Có những lý thuyết tưởng như dạy trẻ con, lúc áp dụng vào thì cực huyền diệu. Lúc đến cơ quan thì mình chớp mắt, thầm cảm ơn nhân viên. Một ngày mình toàn thấy "được", "được" đủ cả chân, tay, "được" nhân viên, "được" sếp. Vất vả, tôi vẫn thấy vui.
Theo Cafe F