Tại buổi tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra sáng nay tại quần thể FLC Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Đức Hưởng – Nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienViet PostBank đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản trong năm 2021.
Vị chuyên gia nhận định đây là hai kênh đầu tư đang "lên ngôi", đặc biệt từ thời điểm cuối năm 2020. Cụ thể, trong khi VN Index vượt ngưỡng 1.100 điểm khiến các nhà đầu tư hưng phấn thì bất động sản cũng đang dần phục hồi từ quý III/2020, các sản phẩm vẫn trong đà tăng giá.
"Chứng khoán đang tạm thời thắng thế so với bất động sản trong năm nay", ông Hưởng cho biết.
Tuy nhiên, đúc kết từ kinh nghiệm đầu tư nhiều năm, vị chuyên gia kinh tế cho rằng dù năm nay các ngân hàng vẫn báo lãi lớn nhưng đến 2021, họ mới thực sự ngấm đòn từ dư nợ, khó khăn trong huy động và cho vay.
"Do đó, ai nắm chứng khoán ngân hàng thì sau Tết Nguyên đán nên bán ngay đi. Sau quý I/2021, chứng khoán sẽ 'sập', bất động sản lên ngôi. Nếu anh chị mua đất, giá có hạ thấp thế nào thì nó vẫn là đất. Người đẻ ra thì đất lại lên giá. Còn chứng khoán, đã bong bóng rồi thì chỉ còn giấy thôi".
Ông cũng nhắn nhủ với các cá nhân, doanh nghiệp: "Trong giai đoạn này, ai vay được ngân hàng thì nên vay luôn đi, vay mua nhà, mua đất. Bởi không bao giờ lãi suất cho vay thấp hơn nữa".
"Thứ nhất, bất động sản vùng ven Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh ngoại thành sẽ lên ngôi bởi ngủ rất lâu rồi nên bật dậy sẽ rất nhanh.
Thứ hai, đất Long Thành, Đồng Nai, Quận 9, Thủ Đức và những nơi được định danh là "đặc khu" sẽ là "vua" 5 năm tới. Đó là quan điểm đầu tư của tôi và tôi đang làm theo điều này.
Thứ ba, nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, đất chia lô. Phân khúc nhà cao cấp đang thừa nhưng nhà giá rẻ, nhà vừa túi tiền thì ngược lại, điều kiện xây dựng rất đơn giản và bán rất nhanh".
Đồng thời, ông Hưởng cũng cho rằng hậu Covid, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi, ở cả vùng biển và vùng núi. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp dù rất hấp dẫn, nhiều tiềm năng tăng trưởng do xu hưởng dịch chuyển nhà máy nhưng cũng chịu rủi ro từ vấn đề chính trị, kinh tế trong và ngoài nước.