Trung Quốc giám sát hoạt động sản xuất thanh long xuất khẩu của Việt Nam

NHVN 11:12 30/09/2021

Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục việc giám sát trực tuyến đối với các loại quả tươi khác của Việt Nam như chuối, mít…

Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã hoàn thành việc giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói thanh long tại Việt Nam qua hình thức trực tuyến. Chương trình được thực hiện dưới sự phối hợp của Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận, Long An.

Mục đích chủ yếu của lần giám sát này là đánh giá công tác kiểm soát sinh vật gây hại và phòng chống Covid-19 tại các vườn trồng và cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc.

Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT.

PV: Được biết phía Trung Quốc thực hiện giám sát trực tuyến vườn trồng và cơ sở đóng gói thanh long. Thưa ông, sự việc này có gì đáng lưu ý?

Ông Nguyễn Quang Hiếu: Điều này là hoàn toàn bình thường theo thông lệ quốc tế, nhiều nước đã tiến hành hoạt động giám sát nguồn gốc nông sản, vùng trồng và quy trình đóng gói, bảo quản này từ rất lâu rồi. Đây cũng là cơ hội để chúng ta chứng minh và làm tốt việc đảm bảo chất lượng nông sản.

PV: Mục đích của việc giám sát này là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Hiếu: Nó giống như việc bạn đi mua hàng, khách hàng cần biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và việc bên bán có đáp ứng các yêu cầu bên mua đặt ra. Trong trường hợp này, Việt Nam là bên xuất khẩu, bên Trung Quốc là bên nhập khẩu thì họ có quyền yêu cầu kiểm tra quy trình sản xuất, quản lý sinh vật gây hại có đáp ứng các yêu cầu, quy định nhập khẩu của họ hay không.

PV: Như ông này việc này là thường xuyên, vậy người dân và doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng được các cuộc kiểm tra?

Ông Nguyễn Quang Hiếu: Đối với mặt hàng trái cây tươi thì tất cả các nước nhập khẩu đều đưa ra quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu này là một trong những mục tiêu trọng điểm được chúng tôi xác định nên liên tục mở các chương trình tập huấn cho bà con và doanh nghiệp.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chúng tôi cũng lưu ý các cơ sở liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được được bổ sung thêm phần kiến thức phòng chống dịch bệnh theo khuyến nghị của Bộ Y tế. Vì vậy, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu theo quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm thì người dân và doanh nghiệp cần tuyệt đối tuân thủ nguyên phòng chống dịch của cơ quan y tế.

PV: Phía đối tác chỉ thực hiện giám sát đối với thanh long hay có ý định mở rộng sang các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác?

Ông Nguyễn Quang Hiếu: Trước đây thị trường Trung Quốc đã có quy định, nhưng chưa thực hiện nội dung này, tuy nhiên trong những năm gần đây họ đã bắt đầu siết chặt việc quản lý hàng qua biên giới vì vậy trong thời gian tới nội dung này dự kiến sẽ được thực hiện liên tục, định kỳ và sẽ mở rộng cho tất cả các sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu. Các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện, đáp ứng các thủ tục theo đúng quy định trên của phía Trung Quốc.


PV: Nhằm giúp việc xuất khẩu hoa quả gặp thuận lợi, công tác phối hợp giữa hai bên được thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Hiếu: Trung Quốc sẽ lựa chọn những sản phẩm, vườn trồng và cơ sở đóng gói có sản lượng xuất khẩu lớn, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm quy định nhập khẩu dựa theo các tiêu chí đánh giá của họ và đề nghị phía Việt Nam phối hợp thực hiện công tác kiểm tra dưới sự giám sát từ xa trên nền tảng trực tuyến. Trong quá trình kiểm tra, hai bên sẽ tiến hành trao đổi về những mặt được và chưa được để khắc phục, bổ sung những tồn tại.

Người dân và doanh nghiệp mô tả trực tiếp về quy mô cơ sở, tiến trình sản xuất, các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh, các hồ sơ về quy trình canh tác, thu mua, đóng gói và việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng, quá trình quản lý dịch hại như: loại bỏ cành bị bệnh, công nhân sẽ cắt bỏ và gom vào xô trước khi chuyển đến bãi xử lý….Trên cơ sở đó, phía bạn sẽ đặt câu hỏi để đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu theo quy định của Trung Quốc.

PV: Với những lô hàng nông sản đã qua giám sát, phía Trung Quốc có tạo điều kiện hơn, rút ngắn thời gian, quy trình kiểm soát nhập khẩu?

Ông Nguyễn Quang Hiếu: Xin khẳng định là phía Trung Quốc yêu cầu tất cả các lô hàng trái cây tươi khi xuất khẩu đều phải kiểm tra kiểm dịch thực vật. Còn nội dung giám sát ở đây là đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu theo quy định mà họ đưa ra, việc đáp ứng các yêu cầu sẽ giúp cho hàng hóa tiếp tục được thông quan theo quy trình đã đã thống nhất. Trường hợp phía bạn cho rằng các vườn trồng, cơ sở đóng gói không đáp ứng được các yêu cầu thì phía Trung Quốc họ có thể yêu cầu áp dụng các biện pháp bổ sung.

PV: Xin cám ơn ông!

Ngoài ra, phóng viên đã trao đổi với ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, một trong những địa phương chịu sự giám sát lần này của phía Trung Quốc. Ông Tấn cho biết, hoạt động lần này chủ yếu là kiểm tra việc kiểm soát sinh vật gây hại và an toàn thực phẩm trong sản xuất và đóng gói sản phẩm. Cơ quan chức năng Trung Quốc tiến hành phỏng vấn trực tiếp người dân dưới sự giám sát của Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT tỉnh. Quá trình kiểm tra cho kết quả tốt, Trung Quốc đánh giá rất cao quy trình sản xuất, đóng gói của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra sản xuất và đóng gói sản phẩm của người dân và doanh nghiệp, yêu cầu tuân thủ nghiêm quy trình VIET G.A.P và cứ trong khoảng thời gian nhất định, Cục Bảo vệ thực vật lại cử cán bộ xuống kiểm tra ngẫu nhiên một đơn vị nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm về mặt chất lượng và quy trình sản xuất. Tuy nhiên, Sở cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra những giải pháp cụ thể để quá trình lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn.

Ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận

Đợt giám sát này, Trung Quốc thực hiện đối với 09 vườn trồng và 09 cơ sở đóng gói tại hai tỉnh Bình Thuận và Long An. Phía GACC xem xét và đánh giá các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại, nhật ký ghi chép của nông dân, các biện pháp đảm bảo an toàn trong thời gian dịch Covid-19.

Đây cũng là cơ hội tốt để nông dân, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan chủ động rà soát lại quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển thanh long nhằm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục việc giám sát trực tuyến đối với các loại quả tươi khác của Việt Nam như chuối, mít…đang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/trung-quoc-giam-sat-hoat-dong-san-xuat-thanh-long-xuat-khau-viet-nam-a529078.html

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc giám sát hoạt động sản xuất thanh long xuất khẩu của Việt Nam tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp