Luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu

NHVN 19:36 20/07/2021

Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về lâu dài cần phải luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu.

500 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tới nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 (66% số nợ) nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/ tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bảng (24%) bán cho VAMC (22%). Trong đó, khách hàng tự nguyện trả nợ 150 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi thời điểm trước Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các TCTD được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay/bên bảo đảm đã tạo áp lực rất lớn buộc bên vay/ bên bảo đảm phải có trách nhiệm trong việc trả nợ và phải hợp tác với các TCTD trong quá trình xử lý nợ nếu không muốn mất tài sản...

Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD. Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Nghị quyết 42, là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết cục máu đông tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính 2011-2013.

Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất đến 1-3%. Như vậy 97- 99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt. Việc có thể sớm xử lý các khoản nợ xấu giúp chính sách cho vay, giá cả cho vay và thủ tục vay vốn đối với khách hàng được thiết kế phù hợp hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Lực, sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi Nghị quyết gặp không ít khó khăn. Còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo. Khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo khó khăn.

Đặc biệt, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu (nhưng chứng khoán hóa) chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ; làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này; khiến quá trình mua - bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện, các TCTD đang xử lý nợ xấu rất tốt, nhưng lại bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, chưa biết bao giờ dịch bệnh kết thúc. Diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam phức tạp trở lại trong vài tháng gần đây, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Tính đến ngày 31/5/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng.

Nâng Nghị quyết 42 thành luật

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, các quy định pháp luật đã có tác dụng rất tốt trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, chính sách vẫn có những điểm “xấu” và vẫn cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành Ngân hàng cần tốt hơn.

Ông Đức kiến nghị cần sửa đổi, triển khai, hiện thực hoá thủ tục rút gọn theo Nghị quyết 42 và 03 cho các khoản nợ xấu cho vay từ 15/8/2017 các khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2022. Cần phải tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào Hệ thống Toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn. Quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn. Giờ không làm ngay thì lại không kịp.

Đồng tình với luật sư Trương Thanh Đức, ông Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.

Ông Lực phân tích: Thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế.

Hiệp hội Ngân hàng đề xuất, Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD. Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC): "Hiện tại, chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III năm 2021 sẽ ra đời. Ngoài ra, được phép của Hiệp hội Ngân hàng, thành lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các AMC lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ”.

Ông Thắng cho rằng, nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm. Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng phải được hoàn thiện. Hiện nay, có thể mua bán nợ theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai.

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/luat-hoa-cac-quy-dinh-ve-xu-ly-no-xau-d22696.html

Bạn đang đọc bài viết Luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp