Giá vàng lập đỉnh, công ty vẫn thua lỗ
Công ty Cổ phần Vàng Lào Cai (UPCoM: GLC) hiện là công ty khai thác vàng duy nhất trên sàn chứng khoán.
Được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 45 tỷ đồng, đến nay công ty đã tăng vốn lên 105 tỷ đồng. Hoạt động chính là đầu tư dự án khai thác, tuyển và luyện vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai.
Sản phẩm của dự án là tinh quặng vàng hàm lượng (quy đổi) 82 gam Au/tấn, với sản lượng cỡ 7.450 tấn/năm, tương đương với khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm; tinh quặng vàng quy đổi ra vàng được phép khai thác lớn nhất 500 kg vàng/năm. Toàn bộ lượng khai thác được bán cho Tổng công ty Khoáng sản TKV để sản xuất vàng tiêu thụ trên thị trường.
Theo Báo cáo tài chính quý 1/2020 của Công ty Vàng Lào Cai, công ty ghi nhận không có doanh thu nhưng vẫn duy trì hoạt động nên tính chung bị lỗ 4 tỉ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ năm trước có số lỗ 15,6 tỉ đồng thì mức lỗ này đã giảm.
Tính đến hết tháng 3/2020, tổng tài sản GLC đạt 59,2 tỉ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là tài sản dài hạn gần 57,6 tỉ đồng, gồm tài sản cố định hữu hình 52,4 tỉ đồng… và tài sản ngắn hạn là 1,6 tỉ đồng. Hiện công ty ghi nhận duy nhất khoản nợ ngắn hạn hơn 11,6 tỉ đồng, tăng thêm khoảng 1 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chủ yếu là phải trả ngắn hạn khác hơn 7,4 tỉ đồng.
Cả năm 2019, doanh thu thuần của công ty vàng này chỉ đạt 11,25 tỉ đồng trong khi cả năm 2018 vẫn đạt 111 tỉ đồng. Tương tự, năm vừa qua GLC bị lỗ 15,6 tỉ đồng trong khi năm 2018 vẫn có lãi 17 tỉ đồng.
Trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, kiểm toán viên lưu ý lỗ lũy kế của công ty đến hết tháng 12/2019 là 53,38 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn là 10,67 tỉ đồng, cao hơn 9,28 tỉ đồng so với tài sản ngắn hạn. Ban giám đốc công ty tin rằng các chủ sở hữu và các bên liên quan sẽ tiếp tục hỗ trợ công ty. Do đó Báo cáo tài chính vẫn được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của công ty diễn ra ngày 30/6/2020, ban lãnh đạo Vàng Lào Cai không đưa ra kế hoạch kinh doanh cụ thể cho năm 2020. Thay vào đó, công ty cho biết sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp trang thiết bị để tận thu tối đa hàm lượng vàng còn lại ngay sau khi được gia hạn giấy phép khai thác.
Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, nhóm nhà đầu tư mới đã thực hiện đầy đủ những thủ tục cần thiết để xin gia hạn giấy phép khai thác song vì một số lý do khách quan lẫn chủ quan mà việc gia hạn giấy phép chưa được hoàn thành.
Cổ đông chính không nằm trong bộ máy quản lý
Theo tìm hiểu, trước Công ty CP Vàng Lào Cai, Tập đoàn Besra Việt Nam cũng được cấp phép khai thác mỏ vàng Bồng Miêu (1997) và mỏ vàng Phước Sơn (1999).
Tuy nhiên, từ năm 2008 - 2012 Công ty Vàng Bồng Miêu và Công ty Vàng Phước Sơn bị Cục thuế tỉnh Quảng Nam 11 lần ra quyết định xử phạt nộp chậm 278 tỷ đồng tiền thuế.
Đến tháng 8/2018, các chủ nợ đã đồng ý tuyên bố phá sản Công ty Bồng Miêu. Theo số liệu báo cáo, tính đến ngày 12/11/2017, Vàng Bồng Miêu có 100 chủ nợ với số tiền hơn 943 tỷ đồng, bao gồm cả 108 tỷ đồng tiền nợ thuế nhà nước.
Theo báo chí phản ánh, tại thời điểm thành lập Vàng Lào Cai vào năm 2007, doanh nghiệp có 5 cổ đông sáng lập, trong số đó, cổ đông Nhà nước chiếm cổ phần lớn nhất là tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP sở hữu 33% vốn điều lệ (về sau tăng lên 46,14%).
Tính đến ngày 31/12/2019, Công ty CP Vàng Lào Cai có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng 88,96% vốn điều lệ. Cụ thể, ông Cao Trường Sơn (23,29%), ông Chu Quang Tú (22,86%), ông phạm Anh Tuấn (20,09%), ông Uông Huy Giang (22,91%). Đáng chú ý, tất cả cổ đông lớn của DN này không tham gia vào bộ máy lãnh đạo và quản lý.
Chủ tịch HĐQT Công ty là bà Đoàn Thị Yến Châu, Giám đốc Công ty là bà Hoàng Thị Quế. Bà Châu và bà Quế không có cổ phần tại Công ty này.
Trong nửa đầu tháng 7/2020, giá vàng thế giới vượt qua mức 1.800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011. Đến ngày 17/7/2020, giá vàng bán ra tăng 275,6 USD/ounce so với cuối năm 2019.
Giá vàng trong nước nửa đầu tháng 7/2020 cũng biến động theo xu hướng tăng mạnh, chủ yếu do chịu tác động từ đà tăng của giá vàng thế giới. Giá vàng SJC trong nước trong nửa đầu tháng 7/2020 vượt và duy trì giao dịch trên ngưỡng 50 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ năm 2011.
Đến ngày 17/7/2020, giá vàng trong nước bán ra tăng 7,9 triệu đồng/lượng so mức giá cuối năm 2019. Nhưng giá vàng tăng mạnh trong tuần cuối của tháng 7/2020 khi chính thức vượt qua đỉnh của năm 2011 (1.921 USD/ounce), đạt trên 1.930 USD/ounce trong sáng ngày 27/7.