Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - MBB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2020.
Trích lập dự phòng quý 2 sụt giảm so với cùng kỳ
Quý 2/2020, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 4.624 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mảng kinh doanh cũng có kết quả khả quan, trong đó lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 181 tỷ đồng, tăng 10,5%; lãi từ mua bán chứng khoán tăng 167% đạt 217 tỷ; lãi từ hoạt động khác tăng 28% đạt 538 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ trong quý 2 lại tăng trưởng âm, giảm 10,4% so với cùng kỳ, chỉ đạt 945 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong quý 2 của ngân hàng tăng 5,5% lên 2.433 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, chi phí hoạt động của MB là 4.484 tỷ, tăng 2,6%.
Đáng chú ý, sau khi tăng mạnh trích lập dự phòng trong quý 1, thì sang quý 2 có phần chững lại. Cụ thể, chi phí dự phòng quý 2/2020 của MB ở múc 1.216 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, chi phí dự phòng đạt 3.309 tỷ đồng, tăng tới 40% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận quý 2/2020 của MB đạt 2.923 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt 5.118 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Tiền gửi không kỳ hạn của của khách hàng sụt giảm
Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của MB đạt 421.635 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,4% đạt 261.384 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền gửi của MB sụt giảm 5,6% trong 6 tháng xuống còn 257.379 tỷ đồng. Nguồn tiền gửi không kỳ hạn tại MB suy yếu rõ rệt khi giảm 9% so với đầu năm xuống còn 83.934 tỷ đồng. Tiền ký quỹ cũng giảm 22,4% xuống mức 5.929 tỷ đồng. Theo đó, ước tính CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng) của MB giảm từ 36,67% xuống còn 34,9%.
Nợ xấu nội bảng của MB tại ngày 30/6 là 3.577 tỷ đồng, tăng 23,5% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 giảm lần lượt 15% và 20% xuống 1.169 tỷ đồng và 713 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 174% lên 1.694 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,37%.
Theo Tổ quốc