Ảnh minh họa |
Cú sốc toàn cầu khi đại dịch bùng phát đã khiến các doanh nghiệp gác lại các khoản đầu tư lớn, song song với đó những biện pháp kiểm soát được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đã đóng băng các hoạt động thương vụ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, nhu cầu thoái vốn và cân đối lại tài chính ở nhiều doanh nghiệp sẽ mở ra các cơ hội mới.
Phân tích mới đây của công ty PwC về những hoạt động M&A diễn ra trong cuộc suy thoái trước cho thấy, các doanh nghiệp có khả năng thực hiện thương vụ trong bối cảnh đầy biến động có thể phát triển vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Khi các công ty, quỹ đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại chiến lược và danh mục đầu tư, nhu cầu thị trường sẽ quay trở lại, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp muốn cắt giảm đầu tư ngoài ngành để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc sẽ có lợi thế khi nhanh nhạy nắm bắt thị trường ở thời điểm này.
Tuy nhiên, tác động của đại dịch lên thị trường thương vụ sẽ gắn với các đặc thù riêng của các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh doanh, và tình hình của từng quốc gia. Từ cả hai phía bên mua và bên bán cần nhận thức rằng những quan điểm truyền thống về thị trường giờ đây có thể không còn thích hợp trong trạng thái bình thường mới.
Giữa tình hình nền kinh tế thế giới đang chứng kiến nhiều gián đoạn, kết quả từ Khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu CFO Pulse Survey do PwC thực hiện vào tháng 6 vừa qua cho thấy quan điểm của các doanh nghiệp về mua bán sáp nhập vẫn ở mức ổn định. 85% lãnh đạo tài chính cho biết các công ty không thay đổi chiến lược M&A dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh Việt Nam, quốc gia được biết đến như một môi trường đầu tư an toàn, ổn định từ trước khi đại dịch xảy ra và ngay cả trong giai đoạn đại dịch đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu - đây sẽ là vị thế thuận lợi cho những tiến triển tích cực ở thị trường mua bán sáp nhập giai đoạn hậu Covid-19.
Nhận định về vấn đề này, ông Ong Tiong Hooi - Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn thương vụ - Thẩm định giá giao dịch của PwC Việt Nam cho biết: "Chúng tôi nhận thấy vẫn có nhu cầu tiềm năng đối với các hoạt động giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, không ngạc nhiên khi thấy các công ty trong nước đang nắm thế chủ động ở vai trò người mua".
"Với triển vọng kinh tế Việt Nam có dấu hiệu hồi phục, cùng với Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, giai đoạn 6 tới 12 tháng tiếp theo sẽ có nhiều chuyển biến đáng theo dõi khi các doanh nghiệp dần ổn định trong trạng thái bình thường mới" - ông Tiong Hooi chia sẻ.
Bức tranh thị trường M&A sẽ tiếp tục biến đổi và những phương pháp định giá thị trường được xây dựng từ các mô hình quen thuộc có thể sẽ không còn phù hợp. Các dự báo phục hồi và tăng trưởng của các ngành kinh tế và lĩnh vực kinh doanh khác nhau cũng sẽ có những đặc điểm và phương hướng đặc thù. Những kịch bản dự báo tăng trưởng này được đề cập trong ấn phẩm mới nhất của PwC Việt Nam: "Thương vụ thời Covid-19 - những điểm đáng chú ý". Ấn phẩm đồng thời phân tích 8 lĩnh vực cốt lõi cần cân nhắc đối với các công ty đang tiếp cận đầu tư hay thoái vốn trong giai đoạn nhiều biến động này./.
Theo Thời báo Tài chính