Xuất khẩu gỗ dán: Tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro

NHVN 07:57 16/07/2020

Các cơ chế, chính sách cần phải thực hiện sát với thực tiễn để giúp cho các cơ quan quản lý và ngành giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Điều này sẽ góp phần giúp ngành gỗ dán và các ngành liên quan

Rủi ro đối với mặt hàng gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ đã được một số cơ quan chức năng và hiệp hội gỗ cảnh báo trước đó đã trở thành hiện thực. Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam. Nhiều DN xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam bị điều tra vi phạm quy định về chống bán phá giá và sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Điều này cho thấy xu hướng rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá đối với các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có các giải pháp giải quyết thỏa đáng.

Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, gỗ dán là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của công nghiệp gỗ Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán đạt 800 triệu USD, chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Xuất khẩu gỗ dán 5 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng trên 286 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Hai thị trường quan trọng nhập khẩu mặt hàng này là Mỹ (309 triệu USD) và Hàn Quốc (226 triệu USD).

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, mặt hàng gỗ dán Việt Nam rất có triển vọng tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn. Năm 2019, xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đạt 518,6 nghìn m3 và sang Hàn Quốc trên 819,1 nghìn m3. Dự báo trong thời gian tới nhu cầu về gỗ dán của các thị trường này còn rất lớn và cũng là cơ hội để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng.

Thực tế cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành này trong những năm qua đạt bình quân trên 31%/năm và kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20%/năm. Tuy nhiên, chính sự gia tăng đột biến trong xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang các thị trường xuất khẩu chính này lại làm nảy sinh các rủi ro mà đến nay đã trở thành hiện thực, đó là những vụ điều tra bán phá giá. Đây thực sự là cảnh báo đối với ngành công nghiệp gỗ dán Việt Nam cũng như các DN xuất khẩu.

Mới đây, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc (KTC) cũng đã chính thức ra quyết định điều tra đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Theo kết quả điều tra sơ bộ, một số công ty từ Việt Nam xuất khẩu mặt hàng gỗ dán vào Hàn Quốc đã vi phạm quy định về chống bán phá giá. Theo đó mức thuế tạm thời được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ ở mức 9,18 - 10,56% (6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn). Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 29/5 tới 28/9 năm 2020. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, giá các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam có những bất thường, làm ảnh hưởng xấu đến các ngành công nghiệp Hàn Quốc. Các mặt hàng đang nghi vấn được dùng trong các ứng dụng khác nhau, bao gồm vật liệu xây dựng nội ngoại thất, đồ nội thất, hộp đóng gói và hàng hóa nội thất…

Có thể thấy, việc Hàn Quốc quyết định áp thuế chống bán phá giá gỗ dán Việt Nam và Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và trợ cấp sản xuất đối với gỗ dán Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam đã gây rất nhiều khó khăn cho DN gỗ dán Việt Nam.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc và Mỹ cùng với việc đón nhận nhiều dự án FDI mới vào mặt hàng gỗ dán, trong đó có các dự án FDI từ Trung Quốc, khiến cho mặt hàng này đã và đang đứng trước các nghi ngại.

Theo thống kê của Tổng cục lâm nghiệp và nguồn khảo sát sơ bộ của Hiệp hội gỗ, cả nước có 115 DN trực tiếp sản xuất gỗ dán, tổng sản lượng năm 2019 đạt 3,07 triệu m3.

Năm 2019 đã chứng kiến sự gia tăng về giá trị xuất khẩu mặt hàng bộ phận đồ gỗ và nội thất sử dụng trong phòng bếp sang thị trường Mỹ với mức tăng 312% so với năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2020 tăng 187% so với cùng kỳ 2019. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2019 cũng tăng đột biến trên 426% so với năm trước đó, trong 5 tháng 2020 tăng 223% so với cùng kỳ. Điều này có thể dẫn tới các rủi ro về nguy cơ kiện chống bán phá giá trong tương lai, trong khi mặt hàng này của Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mức 58,89% áp dụng chung cho các công ty (một số công ty có mức thuế rất cao như 269,91% đối với Công ty chế biến gỗ Đại Liên Meisen, 122,1% đối với Công ty sản xuất đồ gỗ Rizhao Foremost và 13,33% đối với công ty nội thất Ancientree)…

Trước thực trạng này, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc giảm thiểu rủi ro đối với gỗ dán xuất khẩu là hết sức cấp bách và cần thiết đối với các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là đối với các bên đang trực tiếp tham gia chuỗi cung gỗ dán, cũng như các chuỗi cung có sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong tương lai, có thể sẽ xuất hiện thêm các vụ cáo buộc về vi phạm luật chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế đối về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam, và về các mặt hàng khác của Việt Nam có sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào như tủ bếp, ván sàn hay đồ gỗ. Chính vì vậy, các cơ chế, chính sách cần phải thực hiện sát với thực tiễn để giúp cho các cơ quan quản lý và ngành giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Điều này sẽ góp phần giúp ngành gỗ dán và các ngành liên quan phát triển bền vững.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-go-dan-tim-giai-phap-giam-thieu-rui-ro-104083.html

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gỗ dán: Tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh