Ham mua trái phiếu BĐS lãi cao: Quá nguy hiểm

NHVN 07:55 10/07/2020

Gia tăng phát hành trái phiếu lãi suất cao, doanh nghiệp bất động sản gây nguy cơ chuyển rủi ro từ thị trường tiền tệ sang thị trường tài chính.

PGS.TS. Trương Quang Thông – Trưởng Bộ môn Ngân hàng Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã dùng từ "nguy hiểm" để nói về xu hướng các nhà đầu tư gia tăng mua trái phiếu doanh nghiệp BĐS.

Từ Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả và cũng là "cứu cánh" cho các doanh nghiệp bất động sản. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp BĐS trở thành nhóm doanh nghiệp huy động lượng vốn lớn nhất trên thị trường trái phiếu, khi chiếm tới 49,1% trong tổng số vốn trái phiếu mà các doanh nghiệp đã huy động được (58.000 tỷ đồng). Nhiều doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu phát hành cao hơn từ 30-47 lần vốn tự có.

Lượng vốn huy động lớn, nhưng lại dồn cục ở một số doanh nghiệp với tần suất phát hành dày đặc đến mức khó tin.

Chẳng hạn, theo dữ liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tổng số 102 đợt phát hành trái phiếu thành công trong tháng 1/2020, thì Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam chiếm tới phân nửa, thực hiện tới 60 đợt phát hành, với lượng vốn huy động hơn 2.938 tỷ đồng/tổng lượng vốn huy động toàn thị trường là 8.703 tỷ đồng.

Cùng với dư nợ trái phiếu cao, lãi suất huy động cũng cao bất ngờ.

Nếu so sánh với gửi tiết kiệm ngân hàng, kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất cao nhất hiện nay là 8%/năm thì mua trái phiếu doanh nghiệp BĐS thời hạn tương tự sẽ được hưởng lãi suất cao hơn gấp 1,5 tới 2 lần (từ 12%/năm trở lên). Những công ty phát hành lãi suất cao trong 4 tháng đầu năm nay có thể kể tới là CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam, trả lãi suất 13%/năm; CTCP Đầu tư bất động sản Đông Dương trả lãi 12%/năm... Mua số lượng lớn còn được tặng quà là vàng miếng, phiếu chăm sóc sức khỏe hay những chuyến du lịch,... lợi nhuận hấp dẫn khiến nhà đầu tư không ngừng đổ tiền vào mua.

Nhìn nhận vấn đề này, vị PGS cho rằng, để có vốn kinh doanh trong bối cảnh nhiều ngân hàng siết dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản, các doanh nghiệp địa ốc tìm cách hút vốn mạnh qua phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua và công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân.

Diễn biến này đang dẫn đến quan ngại, doanh nghiệp bất động sản đang chuyển rủi ro từ thị trường tiền tệ sang thị trường tài chính.

Bởi lẽ, theo thống kê thị trường sơ cấp cho thấy, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lớn nhất vẫn là ngân hàng, đứng thứ hai là công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán hoạt động như một đơn vị trung gian và phân phối lại trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư khác như ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân.

Nếu tính tới tháng 6/2019, Techcombank là ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu nhất với gần 61.000 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này.

Trong đó, số chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành sẵn sàng để bán tại Techcombank là hơn 45.000 tỷ đồng, tăng tới hơn 7.100 tỷ (tăng 18,6%) so với hồi đầu năm. Cùng với đó, số dư chứng khoán nợ của các tổ chức chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn của ngân hàng cũng hơn 14.400 tỷ, giảm 5.800 tỷ đồng tức giảm 28,7% so với đầu năm. Số trái phiếu doanh nghiệp tại mục chứng khoán kinh doanh là 800 tỷ đồng.

Theo sau Techcombank là BIDV có số dư trái phiếu doanh nghiệp hơn 22.000 tỷ. Các ngân hàng sở hữu nhiều trái phiếu doanh nghiệp khác có thể kể đến VietinBank (hơn 19.000 tỷ), SHB (hơn 16.000 tỷ), MBBank (hơn 15.000 tỷ), VPBank (hơn 8.000 tỷ), Vietcombank (hơn 7.000 tỷ), TPBank, HDBank với lần lượt trên 6.300 tỷ đồng và 5.600 tỷ đồng…

Các ngân hàng sở hữu lượng trái phiếu doanh nghiệp cỡ trên dưới 4.000 tỷ đồng là ABBank, MSB, VIB và SeABank.

Đáng chú ý, MB còn nhiều lần “ôm trọn” các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Chẳng hạn, từ ngày 3/6-31/7/2019, nhà băng này đã mua trọn 550 tỷ đồng trái phiếu do BĐS Phát Đạt phát hành. Trước đó, MB cũng mua 100 tỷ đồng trái phiếu của Cáp treo Bà Nà, 180 tỷ đồng trái phiếu của PQC Convention,…

Xu hướng nắm giữ trái phiếu các doanh nghiệp BĐS của các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2020. Do đó, sẽ khó nói trước được hậu quả nếu các ngân hàng tiếp tục dồn vốn vào sản phẩm này với kỳ vọng sẽ có những thu nhập “bất thường” nhằm cân bằng những thiệt hại được cho là do dịch Covid-19.

"Trong bối cảnh, vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản đang bị siết lại, các ngân hàng cũng khó cho vay các dự án bất động, vốn là lĩnh vực cho vay mang lợi nhuận cao bên cạnh cho vay tiêu dùng. Vì thế, việc mua trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS được xem là hình thức cho vay gián tiếp với các dự án bất động sản. Thay vì các ngân hàng cấp tín dụng cho những dự án BĐS xin vay thì với cơ chế mua lại chính trái phiếu của những dự án đó do chính nhà đầu tư phát hành cũng là 1 cách để các ngân hàng đưa vốn cho các doanh nghiệp này hoạt động mà không bị giới hạn về room tín dụng.

Sẽ mang nhiều rủi ro nếu 'ôm' trái phiếu vào thời điểm này.

Xét về mặt đầu tư hay cho vay thì việc “ ôm” trái phiếu của các ngân hàng hiện nay vẫn mang nhiều rủi ro. Bởi lẽ, khi nền kinh tế sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, lượng vốn lớn được "bơm" vào thị trường BĐS thay vì bơm vào nền kinh tế sản xuất sẽ làm tín dụng lạc hướng, gây ra những nguy cơ đổ vỡ khó lường", PGS.TS. Trương Quang Thông nhận định.

Theo vị PGS, nếu có một sự đổ vỡ xảy ra với một doanh nghiệp bất động sản thì cũng là vấn đề đáng lo ngại, khi rót vốn vào trái phiếu của những doanh nghiệp này, bởi lúc đó các ngân hàng sẽ có nguy cơ thành "con tin" của doanh nghiệp.

Vì khi mua trái phiếu của doanh nghiệp BĐS, các nhà đầu tư phải đối diện với thực tế là không có tài sản bảo đảm, không được chuyển đổi, không kiểm soát được dòng vốn của doanh nghiệp BĐS; dòng tiền huy động lại được đầu tư ngược vào các dự án BĐS, vốn đã rất rủi ro, vì thế, nguy cơ vỡ trận có thể xảy ra khi sự phục hồi của thị trường BĐS chưa thể dự đoán, khả năng cầm cự và phát triển của doanh nghiệp còn khốn khó.

Trong trường hợp các doanh nghiệp không thể trả lãi hoặc gốc cho nhà đầu tư khi đó lúc đó, các khoản đầu tư sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến chỉ tiêu của ngân hàng, thậm chí sự tồn vong của ngân hàng đó. Quan ngại hơn, tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của toàn nền kinh tế cũng như nền tài chính quốc gia.

Theo Báo Đất Việt

Link gốc : https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ham-mua-trai-phieu-bds-lai-cao-qua-nguy-hiem-3411110/

Bạn đang đọc bài viết Ham mua trái phiếu BĐS lãi cao: Quá nguy hiểm tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Thực hiện theo các chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2020, VietinBank đã triển khai có hiệu quả các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng được dự báo sẽ có chuyển biến trong năm 2020 khi hoạt động của ngành đang gặp khó khăn và đứng trước áp lực nâng tầm quản trị rủi ro.