Thương vụ chờ hoàn tất
Tại Đại hội đồng cổ đông HDBank ngày 13/6, nhiều cổ đông thắc mắc về tiến độ sáp nhập giữa ngân hàng này và PG Bank - đã được cổ đông thông qua từ 2 năm trước và cơ quan quản lý cũng chấp thuận về mặt nguyên tắc. Ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, hồ sơ thương vụ đã được hoàn thiện và nộp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, về mặt kinh doanh, HDBank và PG Bank đang có sự hỗ trợ lẫn nhau cũng như điều tiết về nhân sự cho hoạt động kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho hay, tiến độ sáp nhập 2 ngân hàng chậm so với dự kiến. Trước đó, HDBank có kế hoạch chia cổ tức sau sáp nhập, nhưng do lộ trình sáp nhập chưa thể hoàn tất, nên đã quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu 50% cho cổ đông để tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Còn tại DongA Bank, sau khi xin ý kiến cổ đông bất thành trong kỳ Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 10/2019, Ngân hàng phải trình NHNN phương án tái cơ cấu mới. Theo số liệu đã kiểm toán của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongA Bank có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo vốn điều lệ đạt mức tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định (3.000 tỷ đồng), DongA Bank lựa chọn việc chào bán cổ phần riêng lẻ.
Cũng theo báo cáo của Ernst & Young Việt Nam, cuối năm 2018, mức vốn ngoài ngân hàng và công ty con cần bổ sung là 33.480 tỷ đồng. Vì thế, trên thị trường xuất hiện thông tin DongA Bank sẽ sớm về với một nhà băng quy mô khác, nhưng có thể vẫn giữ thương hiệu DongA Bank. Cổ đông của DongA Bank kỳ vọng vào điều này để có thể vực dậy thương hiệu vốn được khách hàng ưa chuộng trong dịch vụ thẻ, khách hàng cá nhân, kiều hối...
Thế nhưng, việc mua lại DongA Bank đòi hỏi nhà đầu tư phải có một lượng “tiền tươi, thóc thật” lên gần 35.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD) để bổ sung việc âm vốn, lỗ lũy kế của Ngân hàng. Vả lại, mức giá phải hợp lý, thậm chí là chuyển nhượng.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc ngành ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu giai đoạn cuối cũng đồng nghĩa với việc loại dần ngân hàng yếu kém khỏi hệ thống. Thực tế cho thấy, Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn mới đang được NHNN xây dựng. Những ngân hàng chưa kịp hoàn tất lộ trình tái cơ cấu sẽ phải chạy nước rút. Đồng thời, áp lực nâng tầm quản trị rủi ro theo chuẩn mới tăng.
Để có thể vực dậy những ngân hàng yếu kém, cần có sự tham gia của cổ đông ngoại. Ảnh: S.T |
Áp lực nâng tầm quản trị rủi ro
Năm 2020 sẽ là năm có nhiều biến động và rủi ro cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam do đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng hết sức cẩn trọng cho vay bất động sản vì rất nhiều thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản đã chậm lại rõ nét.
Một chuyên gia ngân hàng nhận định, thị trường sẽ không rơi vào khủng hoảng, nhưng nếu không cẩn thận, sẽ đi vào suy thoái. Đối với các ngân hàng, vấn đề quản trị rủi ro luôn là điều quan trọng. Đáng chú ý, năm nay, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực, sẽ tác động mạnh tới các ngân hàng trong việc cơ cấu lại hệ thống quản lý rủi ro.
Mặt khác, theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-NHNN mới ban hành, từ ngày 1/10/2019, căn cứ vào thực trạng, mức độ rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN hoặc Giám đốc NHNN chi nhánh xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào diện kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, năm 2020, vấn đề quản trị rủi ro của ngân hàng sẽ được tăng cường mạnh mẽ. Các ngân hàng buộc phải áp dụng Thông tư 41 ngay từ đầu năm, nếu chưa chuẩn bị kịp, NHNN có thể cho họ thêm thời gian trong năm để thực hiện. Nếu các ngân hàng tuân thủ các quy định của Thông tư 41, công tác quản lý rủi ro sẽ đảm bảo chặt chẽ hơn.
Vì thế, M&A lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục có “sóng”, với không ít thương vụ xảy ra, trong đó phải kể đến 3 ngân hàng yếu kém (CBBank, Oceanbank, GPBank). Các nhận định cho rằng, để có thể vực dậy những nhà băng này, cần có sự tham gia của cổ đông ngoại. Thời gian qua, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài đánh tiếng về chuyện này.
GPBank đã thông báo tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nhằm tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN. Song do tình hình hoạt động của GPBank thiếu minh bạch, nên chưa có thông tin nào cho thấy ngân hàng này đã kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, Tập đoàn J Trust cho biết, muốn tham gia tái cơ cấu CBBank.
Trên thực tế, việc tái cấu trúc các ngân hàng trên đang gặp nhiều khó khăn, kể cả khi các ngân hàng tìm được đối tác chiến lược. Theo quy định hiện hành, các phương án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém phải xin ý kiến của nhiều bộ, ngành, mất rất nhiều thời gian, nên cơ hội hợp tác với nhà đầu tư chiến lược, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, có thể bị bỏ lỡ.
CBBank tập trung thu hồi nợ Trong 5 năm qua, CBBank vẫn hoạt động ở đầy đủ các mảng và tập trung thu hồi những khoản nợ lớn. Thu hồi nợ xấu được coi là hạt nhân của tiến trình tái cơ cấu CBBank. Theo số liệu lũy kế đến ngày 30/11/2019, ngân hàng này còn trên 5.500 tỷ đồng đối với nhóm nợ thu hồi theo bản án và trên 800 tỷ đồng thu hồi nhóm nợ nhỏ lẻ. OceanBank cho biết, trong năm 2019, hoạt động xử lý thu hồi nợ xấu vượt 47% kế hoạch trình NHNN phê duyệt... Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thông tin được công bố một chiều. |
Theo Đầu tư