Đại hội đồng cổ đông thường niên CTCP Du lịch và Thương mại Vinacomin (VTTC) năm 2020. Ảnh ST |
Năm 2019, CTCP Du lịch và Thương mại Vinacomin (VTTC) ban hành nghị quyết về việc tăng vốn theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ cho 100 nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ hơn 6,5 tỷ đồng, song nghị quyết này không được thực hiện vì bị cổ đông khởi kiện. Năm 2020, công ty này tiếp tục thực hiện việc tăng vốn này với số tiền dự kiến là 8 tỷ đồng.
"Xé lẻ" và "pha loãng"
Công ty VTTC trước đây là doanh nghiệp 100% vốn của TKV. Quá trình cổ phần hóa diễn ra, TKV đã bán cổ phần cho các cổ đông khác và hiện nay Tập đoàn TKV chỉ còn sở hữu 36% cổ phần.
Theo lộ trình thoái vốn được quy định tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn TKV thì trong giai đoạn 2018-2020, "ông lớn" này phải hoàn thành việc rút vốn tại Công ty VTTC. Đến thời điểm này, lộ trình này chưa thực hiện xong.
Hiện nay, Tập đoàn TKV vẫn là cổ đông lớn nhất của Công ty VTTC và đại diện vốn của Tập đoàn TKV luôn giữ chức Chủ tịch HĐQT. Với số vốn 36%, tiếng nói của TKV có tính chất quyết định đối với hoạt động của Công ty VTTC.
Năm 2019, Công ty VTTC đã trình một phương án thoái vốn có thể gây bất lợi cho Tập đoàn TKV. Đó là thực hiện việc thoái vốn theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2020) sẽ bán 7% cổ phần của TKV tại Công ty VTTC. Giai đoạn 2 (đến năm 2022) sẽ bán nốt 29% cổ phần còn lại.
Mới nhìn vào phương án thoái vốn này thì ai cũng nghĩ rằng việc việc thoái vốn chỉ bị “chậm” so với tiến độ quy định tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Song, nếu nhìn sâu xa hơn, việc thoái vốn này gây bất lợi rất lớn cho Tập đoàn TKV.
Theo một chuyên gia pháp luật, việc bán trọn gói cả lô cổ phần bằng 36% cổ phần phổ thông của Công ty VTTC thì lô cổ phần này mới có giá trị vì cổ đông sở hữu cổ phần có quyền quyết định được nhiều nội dung theo Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty, không sợ kịch bản nhóm cổ đông nắm giữ 64% còn lại “thao túng” doanh nghiệp. Còn nếu chỉ sở hữu 29% cổ phần thì nhóm cổ đông trên 65% sẽ hoàn toàn nắm quyền định đoạt, khó có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm để mua lô cổ phần này. Vì vậy, khả năng lô cổ phần này sẽ “ế” và mất giá.
Do vậy, phương án thoái vốn này đã không được chấp nhận thông qua.
Khi phương án thoái vốn không được Tập đoàn TKV chấp nhận thì Công ty VTTC lại có biện pháp thứ 2 để lô cổ phần 36% của Tập đoàn TKV giảm xuống dưới 30%. Đó là thực hiện tăng vốn theo hình thức chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Đại hội đồng cổ đông của Công ty VTTC đã thông qua Nghị quyết về việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư mới để huy động thêm 6,5 tỷ đồng (tương đương với 650 nghìn cổ phần được chào bán thêm).
Nếu kế hoach này được thực hiện, công ty có thêm 6,5 tỷ đồng nhưng điều quan trọng là lô cổ phần của Tập đoàn TKV sẽ giảm giá trị do bị giảm tỷ lệ sở hữu so với tổng số cổ phần của doanh nghiệp sau khi chào bán. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của Tập đoàn TKV sẽ chỉ còn 28% nếu phương án chào bán cổ phần để tăng vốn này được thực hiện.
Không hiểu đại diện của Tập đoàn TKV tại Công ty VTTC có ý thức được điều này khi bỏ phiếu thông qua phương án này hay không, song phương án này đã không được thực hiện do nghị quyết nói trên bị cổ đông khác kiện ra tòa.
"Bổn cũ soạn lại"
Không thực hiện được phương án “pha loãng” cổ phần của Tập đoàn TKV trong năm 2019, năm 2020, Công ty VTTC tiếp tục công cuộc này.
Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông ngày 22/6/2020, một lần nữa phương án tăng vốn bằng hình thức chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư mới lại được trình Đại hội đồng cổ đông.
Theo đó, số tiền huy động năm nay được nâng lên 8 tỷ đồng, tương ứng với 800.000 cổ phần được phát hành thêm để chào bán cho nhà đầu tư mới.
Với số cổ phần phát hành thêm này, tổng số cổ phần của Công ty VTTC sẽ tăng lên trên 3.000.000 cổ phần (tương ứng với số vốn điều lệ trên 30 tỷ đồng). Điều quan trọng là, sau khi tăng vốn theo phương thức này thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của Tập đoàn TKV tại Công ty VTTC sẽ giảm xuống còn khoảng 27%.
Với việc sở hữu hơn 27% cổ phần phổ thông tại một doanh nghiệp thì Tập đoàn TKV hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào đều không quyết định được số phận của công ty nếu không có sự ủng hộ của các cổ đông khác. Mặc dù so với sở hữu 36% cổ phần thì tỷ lệ 27% thực sự không nhỏ hơn nhiều nhưng khả năng chi phối đến các quyết định tại Đại hội đồng cổ đông sẽ rât khác biệt.
Hệ quả của quyết định tăng vốn theo phương thức chào bán riêng lẻ năm 2020 không khác gì với cách thức đã được thực hiện trong năm 2019 (nếu được thực hiện) và cũng không khác gì với việc bán vốn theo hai giai đoạn mà Công ty VTTC đã từng đề xuất với Tập đoàn TKV. Thế nhưng không hiểu tại sao người đại diện vốn của Tập đoàn TKV tại Công ty VTTC lại bỏ phiếu ủng hộ, trong khi một số cổ đông quan tâm đến lô cổ phần của Tập đoàn TKV lại rất lo lắng.
Trong khi Tập đoàn TKV đã rất chậm thực hiện Quyết định số 2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì việc tăng vốn theo phương thức chào bán riêng lẻ sẽ càng khiến cho Nhà nước chịu thiệt hơn vì khả năng "ế" vốn là nhãn tiền. Trách nhiệm của Tập đoàn TKV trong việc quản lý tài sản nhà nước sẽ như thế nào?
Theo Nhà đầu tư