Chủ đầu tư Condotel nào bị Bộ Công an 'chỉ mặt điểm tên'?

NHVN 06:35 15/07/2020

Trong văn bản kiến nghị đến Chính phủ về việc không hợp thức hoá Condotel, officetel thành nhà ở, Bộ Công an đã chỉ mặt 1 loạt chủ đầu tư và dự án.

Dự án Cocobay Đà Nẵng của Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô là một trong số ví dụ điển hình được nhắc đến về bất cập Condotel.

Thông tin Bộ Công an gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ bày tỏ bất cập trong quy hoạch pháp luật liên quan đến căn hộ du lịch (Condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (Officetel), đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản.

Đáng chú ý, trong văn bản này Bộ Công an đã "chỉ mặt, điểm tên" một số chủ đầu tư và dự án Condotel đang gây xôn xao trong dư luận.

Theo đó, Bộ Công an dẫn số liệu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết: Hiện nay, cả nước có khoảng 83.000 condotel, hơn 28.000 biệt thự du lịch, hơn 12.600 phòng khách sạn, hơn 15.600 căn shophouse… tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP HCM, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh…Ngoài ra có khoảng 16.523 căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM.

Chỉ ra những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho loại hình Condotel, Bộ Công an nêu: một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu đang rà soát, đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản Condotel cho người mua, dần hợp thức hóa các Condotel, biệt thự du lịch thành nhà ở, gây áp lực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Theo Bộ Công an, vừa qua một số doanh nghiệp bất động sản đã thông báo tạm dừng chi trả lợi nhuận cho khách hàng mua căn hộ du lịch theo cam kết đã được ký kết với người mua.

Đơn cử như Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô ra thông báo chấm dứt trả lợi nhuận cho người mua căn hộ du lịch tại dự án Cocobay Đà Nẵng;

Công ty cổ phần FLC Homes có thông báo tạm dừng chi trả lợi nhuận cho khách hàng đã cam kết tại các dự án The Coastal Hill Quy Nhơn, Condotel Quảng Bình, Condotel Hạ long với lý do doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.

Ngoài ra, quy định về quản lý, vận hành căn hộ du lịch và toà nhà hỗn hợp (căn hộ nhà ở và căn hộ du lịch) thiếu chặt chẽ, chưa có vai trò của chủ đầu tư dự án, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn toà nhà.

Ví dụ: Tại dự án Our City tại Hải Phòng do Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam (100% vốn Hồng Kông- Trung Quốc) có hàng trăm người Trung Quốc nhập cảnh qua đường du lịch, thuê căn hộ tại dự án này để tổ chức đánh bạc với quy mô rất lớn. Bộ Công an đã bắt giữ 395 người Trung Quốc và bàn giao cho phía Trung Quốc xử lý.

Tại dự án tổ hợp khách sạn chung cư cao cấp Oceanus Mường Thanh Viễn Triều - TP Nha Trang với 5 toà nhà 45 tầng, quy mô 1000 căn hộ, trong đó có khoảng 50% căn hộ dùng để ở và 50% căn hộ cho thuê.

Hiện tại nhiều chủ đầu tư căn hộ cho thuê dưới nhiều hình thức nhưng không có sự quản lý, giám sát của chủ đầu tư, ban quản trị toà nhà cũng như chính quyền địa phương.

Việc này dẫn tới hoạt động của cư dân và khách thuê căn hộ diễn ra phức tạp, ảnh hưởng an ninh trật tự. Công an Khánh Hoà đã bắt 14 đối tượng người Trung Quốc thuê nhà tại đây với mục đích du lịch nhưng lại sử dụng nhiều máy tính, thiết bị công nghệ nghi vấn hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Từ thực tế trên, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra việc triển khai các dự án Condotel, biệt thự du lịch, Officetel tại một số địa phương phát triển nhiều loại hình bất động sản trên, phát hiện sai phạm đề xuất xử lý.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không tăng cường quản lý Nhà nước từ khâu quy hoạch, cấp phép sử dụng đật, cấp phép xây dựng đến việc quản lý linh doanh, vận hành… Trước mắt, không phát triển thêm dự án Condotel, biệt thự du lịch, không hợp thức các loại hình này thành nhà ở.

Vẫn còn nhiều "đại gia" bất động sản Condotel chưa được chỉ tên

Condotel hay Condo Hotel là loại hình bất động sản theo dạng căn hộ & khách sạn kết hợp nhiều loại hình về đầu tư, cho thuê, nghỉ dưỡng, trao đổi để tạo ra tổ hợp chuỗi giá trị trong 1 sản phẩm.

Tại thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, Condotel đang ở giai đoạn phát triển được nhiều người đánh giá là một trong những bài toán đầu tư tiềm năng bởi vừa có thể sử dụng cho mục đích nghỉ dưỡng, vừa có thể cho thuê mà vẫn đảm bảo nguồn tích lũy tài sản lâu dài.

Càng hấp dẫn hơn khi hầu hết các dự án Condotel trên thị trường đều đưa ra mức cam kết lợi nhuận phổ biến trong khoảng 8-12%, thậm chí 14-15% trong từ 5 năm đến 10 năm.

Mặc dù vậy, mới đây sự kiện Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận" khi chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group) ra thông báo sẽ chấm dứt trả lợi nhuận cho người mua Condotel tại Cocobay Đà Nẵng từ ngày 1/1/2020... đã gây ra làn sóng lo ngại trong giới đầu tư về loại hình bất động sản "lai tạo" này.

Theo đánh giá, phân tích từ các chuyên gia kinh tế, luật sư thì loại hình Condotel hiện nay còn quá nhiều bất ổn và "sơ hở" về vấn đề pháp lý. Cũng bởi thế thời gian qua dư luận đã chứng kiến không ít vụ việc khách hàng phải "ôm cục nợ" do hám lời từ những chiếc bánh lợi nhuận được chủ đầu tư vẽ ra với loại hình Condotel này.

Có thể kể ra đây vụ việc tiêu biểu như Dự án khách sạn Bavico Nha Trang (số 2 Phan Bội Châu, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Tại dự án này, chủ đầu tư "mồi chài" khách hàng bằng cam kết lợi nhuận lên đến 15%.

Thế nhưng dự án mau chóng khiến khách hàng vỡ mộng khi chủ đầu tư chỉ chi trả số tiền lợi nhuận đúng cam kết trong vài tháng đầu, còn sau đó đã lật kèo và xin giảm từ 15%/năm xuống 8%/năm.

Chưa dừng ở đấy, các khách hàng mua căn hộ dự án Bavico Nha Trang còn choáng váng khi biết thông tin Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Quân Đội (MB AMC) thông báo thu giữ tài sản của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bạch Việt (chủ đầu tư dự án Bavico Nha Trang) gồm công trình khách sạn cao 22 tầng và 1 tầng hầm, hoa lợi, lợi tức và quyền phát sinh từ khách sạn này… do Bạch Việt đã mang dự án thế chấp ngân hàng, nay không có tiền chi trả....

Liệt kê ra đây để thấy rõ rủi ro trong dự án Condotel là điều thấy rõ. Thế nhưng trong bối cảnh vấn đề Condotel đang gây lo ngại, thì các "đại gia" bất động sản lớn vẫn đeo đuổi Condotel và mời chào đầu tư với cam kết lợi nhuận khủng.

Theo Tin tức Việt Nam

Link gốc : https://tintucvietnam.vn/chu-dau-tu-condotel-nao-bi-bo-cong-an-chi-mat-diem-ten-d242638.html

Bạn đang đọc bài viết Chủ đầu tư Condotel nào bị Bộ Công an 'chỉ mặt điểm tên'? tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản
Lượng tìm kiếm nhà ở diện tích nhỏ, nhà ở giá rẻ tăng 220% trong quý II/2020, cho thấy nhu cầu của người dân về nhà ở rất lớn. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang có sự chênh lệch về nguồn cung sản phẩm