Đà Nẵng: các dự án liên quan đến Vũ ‘nhôm’ giải quyết như thế nào?

NHVN 08:17 09/07/2020

Ông Trần Tuấn Lợi (tổ đại biểu quận Thanh Khê) cho rằng, nếu thu hồi 29ha dự án Đa Phước theo bản án của TAND Cấp cao TP.Hà Nội sẽ khiến mất ổn định chính trị, an sinh xã hội và nhiều doanh nghiệp

Hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản

Chiều 7/7, tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP. Đà Nẵng, nhiều đại biểu thảo luận về phán quyết thu hồi dự án 29ha Đa Phước (địa bàn 2 quận Thanh Khê và quận Hải Châu) liên quan đến Pham Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).

Ông Huỳnh Minh Chức (tổ đại biểu huyện Hoà Vang) cho rằng, người dân rất quan tâm đến việc thi hành án các sai phạm liên quan đến Phan Văn Anh Vũ. Đặc biệt, đất đai công sản là tài nguyên, nguồn lực phát triển của thành phố.

“Vì sao TAND cấp cao tại Hà Nội lại thụ lý vụ án đất đai ở Đà Nẵng? Khi thi hành án thì toà tuyên giao lại cho Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Đà Nẵng thu hồi tài sản? Người mua nhà đất tại 3 dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ sẽ được bảo về quyền lợi như thế nào? UBND thành phố lấy tiền đâu mà để thi hành các bản án đó?”, ông Chức nêu.

Hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định, hợp pháp tại dự án Đa Phước. Ảnh ST

Cùng quan điểm, ông Trần Tuấn Lợi (tổ đại biểu quận Thanh Khê) cho rằng, theo phán quyết số 158/2020/HS-PT ngày 12/5/2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội, quyết định giao UBND TP. Đà Nẵng thu hồi khu đất trên và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất.

Theo ông Lợi, vấn đề này rất nhiều cử tri trên địa bàn thành phố và đặc biệt là người dân mua nhà, đối tác đã đầu tư trên dự án rất là lo lắng. Phán quyết như vậy sẽ gây ra sự bất an cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định, hợp pháp tại dự án. Đồng thời có thể xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người khi tổ chức thi hành án; gây hậu quả mất ổn định chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

"Hiện nay, tổng dư nợ Công ty Đa Phước tại 2 dự án tại hai Ngân hàng Vietcombank và SHB lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khu đất 29 ha. Khi toàn bộ quyền sử dựng đất của dự án này bị thu hồi, Công ty Đa Phước khó tránh khỏi việc bị phá sản, lập tức, các khoản nợ ngân hàng kia sẽ trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi", ông Lợi nói.

Ngoài việc vay vốn ngân hàng, hiện nay Công ty Đa Phước đã ký kết hợp tác liên danh với hàng chục đối tác khác. Theo đó, các đối tác của Đa Phước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cùng Đa Phước xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông… tại dự án.

“Nếu bị thu hồi toàn bộ số tiền của đối tác sẽ bị mất, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp. Điều này dẫn đến hoàn thiện các công trình trên sẽ bị đình trệ không biết đến bao giờ. Các công trình nằm sát biển, nếu không được hoàn thiện sớm sẽ xuống cấp rất nhanh, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng tiền đầu tư của doanh nghiệp”, ông Lợi cho biết.

Cũng theo ông Lợi, việc thu hồi khu đất 29 ha, phải tính đến việc giải quyết khối tài sản trên đất. Trong khi tài sản trên đất của Công ty Đa Phuớc và những nhà đầu tư khác không hề được đề cập trong bản án đã phán quyết. Do vậy, việc giao cho UBND TP. Đà Nẵng thu hồi khu đất này là không khả thi.

Liên quan đến dự án trên, ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục THADS TP. Đà Nẵng cho biết, Cục THADS TP. Hà Nội dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đối với Đa Phước ủy thác cho Cục THADS TP. Đà Nẵng tổ chức thi hành. Hiện tại chưa có nên chưa biết khó khăn, vướng mắc thế nào, do đó chưa báo cáo được

Sắp bàn giao 3 khu đất liên quan Vũ ‘nhôm’

Tại kỳ họp, giải trình về công tác thi hành án dân sự (THADS) tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng, ông Trần Phước Thu đã thông tin về 4 khu đất liên quan đến Vũ “nhôm”.

Theo đó, 4 khu đất nằm trong bản án số 346/2019/HS-PT ngày 13/6/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội, được tuyên thu hồi bàn giao UBND TP. Đà Nẵng. Trong đó, 1 khu tại Thanh Khê, 1 khu tại Hải Châu, 1 khu Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng.

Hiện nay, Chi cục THADS quận Hải Châu được ủy thác thi hành án đối với khu đất 16 Bạch Đằng. Bản án tuyên giao nhà và đất. Nhưng qua xác minh, khu đất này hiện là đất trống được rào xung quanh, không có người bảo quản, tình trạng không giống như bản án đã tuyên.

Đối với dự án 319 Lê Duẩn nằm trong địa bàn quận Thanh Khê, hiện nay, Chi cục THADS quận Thanh Khê phối hợp với các ngành chức năng thực hiện giao đất. Hiện trạng khu đất này có chi nhánh Công ty TNHH Pizza Việt Nam tại Đà Nẵng. Công ty này đã cam kết sau khi có thông báo sẽ trực tiếp bàn giao. Tuy nhiên, bên bị tuyên phải bàn giao trong bản án là Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chấn Phong cho rằng tài sản này không phải của công ty mà là của Phan Văn Anh Vũ.

"Hiện gia đình Phan Văn Anh Vũ làm đơn khiếu nại cho rằng đây là tài sản chung của vợ chồng ông Vũ. Về phía cơ quan THADS sẽ căn cứ theo nội dung bản án, đồng thời giải quyết việc khiếu nại trên cơ sở quy định pháp luật", ông Thu cho biết.

Khu đất tại Ngũ Hành Sơn là dự án vệt du lịch ven biển, diện tích 15.577 m2. Hiện nay, ranh giới của dự án này chưa cụ thể, rõ ràng. Chi cục THADS quận Ngũ Hành Sơn đang phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, xác định rõ trên dự án có gì để tiến hành thu hồi.

Theo ông Thu, cả 3 dự án trên dự kiến sẽ giao tài sản cho UBND TP. Đà Nẵng trong tháng 7 này.

Còn lại đối với khu đất thứ tư tại đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà với diện tích đất là 3.264 m2. Hiện đang gặp vướng mắc, không thể thi hành án được.

Trước đó, vào tháng 5/2020, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng. Ông Võ Ngọc Châu, chủ sở hữu Công ty Đa Phước cho rằng quyền lợi của mình chưa được đảm bảo đề nghị hủy án sơ thẩm khi thu hồi khu đất này.

Ông Võ Ngọc Châu đề nghị HĐXX cho cơ hội nêu quan điểm bởi dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước được xác định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50% thiệt hại của vụ án nhưng ông là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan lại không được tòa sơ thẩm triệu tập.

Ở vụ án này, Công ty Đa Phước đã kháng cáo toàn bộ phần bản án có liên quan đến khu đất 29 ha. Tại bản án sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội đã tuyên yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng và các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho công dân tại 3 dự án gồm: khu đất 29 ha thuộc dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước; dự án Khu dân cư An Cư 2, 3 mở rộng; và dự án Khu nhà ở Phú Gia Compound.

Tuy nhiên sau đó, TAND TP.Hà Nội ra đính chính bản án, tuyên thu hồi khu đất 29 ha. Trình bày tại tòa trước đó luật sư Nguyễn Hải Âu và ông Võ Ngọc Châu đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy 1 phần bản án sơ thẩm để đảm bảo quyền lợi của Công ty Đa Phước.

Theo luật sư, Công ty Đa Phước nhận chuyển nhượng khu đất 29 ha từ năm 2015, trước thời điểm khởi tố vụ án. Việc mua bán, nhận chuyển nhượng này không liên quan đến giao dịch giữa Vũ “nhôm” và UBND Đà Nẵng.

Nếu dự án bị thu hồi sẽ để lại hậu quả pháp lý nặng nề khi 200 hộ dân mua nhà trong dự án, đẩy Công ty Đa Phước phá sản bởi khoản vay 1.500 tỷ đồng từ ngân hàng SHB và Vietcombak để phát triển dự án.

Theo Nhà đầu tư

Link gốc : https://nhadautu.vn/da-nang-giai-quyet-nhu-the-nao-doi-voi-cac-du-an-lien-quan-den-vu-nhom-d39561.html

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: các dự án liên quan đến Vũ ‘nhôm’ giải quyết như thế nào? tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự
TP. Hà Nội bên cạnh ghi nhận kết quả tổng sản phẩm 6 tháng phấn đấu cả năm 2020, GRDP sẽ tăng gấp 1,3 lần so với cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu 285.000 tỷ đồng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.