Cốt yếu là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế

NHVN 14:39 18/07/2020

TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, tăng trưởng tín dụng cả năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chu kỳ nhu cầu vốn - có thể tính theo quý, và ở thời điểm này thì quan trọng

TS. Châu Đình Linh

Trao đổi với phóng viên, TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, nếu nhìn vào số liệu tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 29/6 là 3,26% tuy thấp so với thời kỳ trước, nhưng lại rất khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 và nền kinh tế thế giới đầy bi quan. Còn xét riêng với tháng 6, mức độ tăng trưởng tín dụng là 1,3% đã thể hiện dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình phục hồi. Tất nhiên, mức độ tăng trưởng tín dụng tháng 6 này còn do nhiều yếu tố khác chi phối, trong đó đáng kể là các gói hỗ trợ tín dụng, chính sách cắt giảm lãi suất của NHNN, và các hoạt động điều chỉnh lãi suất cho vay từ hệ thống NHTM…

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Chính phủ giao là 10%. Ông nhận định ra sao về khả năng thực thi mục tiêu này?

Bối cảnh tác động bởi yếu tố bên ngoài như dịch bệnh Covid-19, hoạt động đóng cửa của các nền kinh tế lớn, sức mua suy giảm… bắt buộc Chính phủ phải xét lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế, sau đó là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Tôi nghĩ, mối tương quan này đã được khẳng định là quan hệ tích cực. Các dữ liệu kinh tế khi đưa vào mô hình toán thì có thể chỉ ra với mức tăng trưởng kinh tế này thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng tương ứng sẽ là bao nhiêu. Nên con số 10% về tăng trưởng tín dụng là có cơ sở khoa học.

Vấn đề bây giờ là NHNN phải thực hiện các quyết sách gì để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra. Theo quan sát của tôi, NHNN đang làm điều này rất đúng hướng, bao gồm việc giảm các mức lãi suất điều hành, chính sách khuyến khích các NHTM cắt giảm chi phí, giãn/hoãn/tái cơ cấu các khoản nợ cho DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đi cùng với các gói hỗ trợ tín dụng, mới đây là điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nhiều NHTM được phân bổ một cách hợp lý… Từ đó, kết quả đạt được trước mắt là loạt các NHTM đã điều chỉnh lãi suất cho vay giảm xuống và thực hiện nhiều gói hỗ trợ tín dụng khác nhau.

Một trong những giải pháp kích cầu tín dụng là tái cấp vốn cho các ngân hàng cho vay các dự án công trình lớn. Quan điểm của ông về việc này?

Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến từ đâu? Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra là ba cấu phần gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Do đó, giải pháp kích cầu tín dụng là tái cấp vốn cho các ngân hàng để cho vay các dự án công trình lớn sẽ như “vốn mồi” kích thích hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư công.

Về mức độ ưu tiên của ba cấu phần, theo tôi thứ tự sẽ là: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Do đó, giải pháp trên của NHNN sẽ rất phù hợp với giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, song quan điểm của NHNN là không hạ chuẩn cho vay. Các nhà băng cũng khá thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm nay. Ông có lạc quan về tăng trưởng tín dụng phục hồi 6 tháng cuối năm 2020?

Tăng trưởng tín dụng cả năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chu kỳ nhu cầu vốn - có thể tính theo quý, và ở thời điểm này thì quan trọng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Dữ liệu quá khứ thường cho thấy mức độ tăng trưởng tín dụng cao ở 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, đó là lúc bối cảnh không có cú sốc tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Còn sau giai đoạn khủng hoảng, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tín dụng tăng chỉ thúc đẩy tăng trưởng ở mức vừa phải hoặc tín dụng không có quan hệ với tăng trưởng trong ngắn hạn. Do đó, tăng trưởng tín dụng cũng không phải “cây đũa thần” trong bối cảnh hiện nay. Thay vào đó, Chính phủ, NHNN và các cơ quan chức năng cần quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp khác nhau, trong đó quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài…

Cũng cần nói thêm rằng, chuẩn cho vay và rủi ro tín dụng đã được các NHTM áp dụng triệt để sau một thời gian, nhất là hiện nay nhiều ngân hàng đã công bố đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II. Nhiều NHTM cũng cho thấy ngoài tín dụng ra, thì mảng dịch vụ, mảng liên kết (bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư…) đem lại lợi nhuận khá tích cực. Do đó, NHTM không có lý do để hạ chuẩn cho vay, thay vào đó hướng đến cho vay các khách hàng có tín nhiệm, chủ động tìm kiếm khách hàng tốt để cấp tín dụng, và bán thêm/bán chéo sản phẩm cho đối tượng khách hàng này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/cot-yeu-la-suc-hap-thu-von-cua-nen-kinh-te-104181.html

Bạn đang đọc bài viết Cốt yếu là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh