Trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại

nhà đầu tư 16:00 11/07/2022

Việc một số tập đoàn/doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu trở lại là dấu hiệu tích cực, cho thấy một trụ cột quan trọng của thị trường vốn đang dần được khơi thông sau khi gần như đóng băng sau vụ án

Một số tập đoàn lớn đã bắt đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại. Ảnh: Trọng Hiếu.

Số liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022.

Cụ thể, trong tháng 5/2022, có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng và 34 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 24.105 tỷ đồng.

Sang đến tháng 6/2022 (tính đến ngày 24/6/2022), số liệu của VBMA cho thấy có 1 đợt phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 100 triệu USD của CTCP VinGroup và 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6 với giá trị là 18.210 tỷ đồng.

NDT - Phat Hanh TP

Theo thống kê của Nhadautu.vn, tính từ đầu tháng 5/2022 đến nay, nhóm các doanh nghiệp liên hệ đến NovaLand đứng đầu với tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt 8.657 tỷ đồng, gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đại Hùng (1.500 tỷ đồng), CTCP Nova Hotels & Resorts (300 tỷ đồng), CTCP Nova W Sand (300 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (6.557 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, phải kể đến nhóm: Trung Nam Group (2.800 tỷ đồng), Tập đoàn Hưng Thịnh (1.684,7 tỷ đồng), VinPearl (2.049,87 tỷ đồng), nhóm IMG (215,8 tỷ đồng). Ngoài ra, có thể kể đến một số đơn vị như: CTCP Đầu tư và Bất động sản Hưng Lộc (150 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Nam Long (500 tỷ đồng)….

Dù tổng giá trị phát hành chưa thực sự lớn so với giai đoạn trước, song đây là dấu hiệu cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ấm trở lại.

Trong 3 năm 2018-2021, với sự "cởi trói" từ Nghị định 163, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển rất nóng, đưa tới nhiều rủi ro, nguy cơ. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những giải pháp mạnh mẽ để lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó nổi bật nhất là khởi tố vụ án Tân Hoàng Minh lừa đảo vào đầu tháng 4/2022.

Sau diễn biến này, trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng. Tháng 4/2022 chỉ ghi nhận vỏn vẹn 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ từ nhóm ngân hàng (chiếm đến 90,7% tổng giá trị). Nhóm năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng nhưng khối lượng chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành. Đáng chú ý, nhóm bất động sản trong tháng này không phát hành một đợt trái phiếu nào.

Đáng chú ý là sau vụ án Tân Hoàng Minh, các ngân hàng thương mại chịu áp lực mua lại trái phiếu từ khách hàng bán ra càng khiến "room" tín dụng tăng cao.

Tính đến hết ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35%. Tuy vậy, nhiều ngân hàng từ đầu tháng 6 đã cho biết sắp sửa cạn "room" tín dụng, và đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm nới thêm "room".

Thị trường vốn rơi vào cảnh mâu thuẫn, khi nền kinh tế đang rất khát vốn để phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên các kênh dẫn vốn chính yếu đều tắc: Chứng khoán "downtrend" nên một loạt các đợt phát hành tăng vốn không thành công, tín dụng hết "room", trái phiếu doanh nghiệp đóng băng.

Do đó, hiện tượng một số doanh nghiệp/group lớn nối lại phát hành trái phiếu có thể coi là diễn biến tích cực khi một bộ phận quan trọng của thị trường vốn dần được khơi thông, tất nhiên là trong trường hợp các tổ chức phát hành phải tuân thủ quy định pháp luật trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện tại, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được gửi lấy ý kiến Bộ Tư pháp, theo quy trình thì sau đó có thể hoàn chỉnh sớm để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Bộ Tài chính cho biết, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 tập trung quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu; quy định chặt chẽ hơn điều kiện phát hành nhằm hạn chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn hoạt động, ảnh hưởng khả năng thanh toán gốc, lãi của doanh nghiệp...

Cùng với đó, phương án tổ chức thị trường trái phiếu thứ cấp đã được Bộ Tài chính phê duyệt, chờ Nghị định 153 sửa đổi ban hành thì sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện và hướng đến vận hành thị trường. Việc này được kỳ vọng nhằm tăng tính minh bạch của thị trường và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ khâu phát hành đến giao dịch.

Link gốc : https://nhadautu.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-am-tro-lai-d67666.html

Bạn đang đọc bài viết Trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Trong 6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu xi măng, clinker đạt gần 16,2 triệu tấn, trị giá 740 triệu USD, giảm 22% về lượng, giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước