Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
Tại Hà Nội:
Doji Hà Nội: 56,80 triệu đồng/lượng - 57,55 triệu đồng/lượng
SJC Hà Nội: 56,90 triệu đồng/lượng - 57,57 triệu đồng/lượng
Tại TP.HCM
Doji TP.HCM: 56,85 triệu đồng/lượng - 57,55 triệu đồng/lượng
SJC TP.HCM:56,90 triệu đồng/lượng - 57,58 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tiếp tục tăng vọt (Ảnh minh họa) |
Đêm ngày 20/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.823 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.822 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 20/7 thấp hơn khoảng 3,4% (723 USD/ounce) so với cuối năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 6,0 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 20/7.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng vọt cho dù đồng USD cũng tăng rất nhanh. Giới đầu tư thực sự lo ngại với những diễn biến mới của đại dịch Covid-19.
Vàng tăng giá trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới biến động khó lường. Chứng khoán Mỹ vừa trải quả một phiên đầu tuần tụt giảm. Chủng virus Delta Covid-19 đang lây lan trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có nhiều thành phố tại Mỹ.
Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục đi xuống phiên Thứ Ba khi lòng tin của các nhà đầu tư giảm sút. Giới đầu tư lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới Covid-19 trên khắp thế giới sẽ ảnh hưởng đến các dự báo về lợi nhuận doanh nghiệp trong nửa cuối năm, kéo chìm nền kinh tế thế giới.
Các nhà phân tích của ANZ cho rằng dù chương trình tiêm chủng được thực hiện, các thị trường vẫn chưa "sống chung" với đại dịch. Các dự báo về tăng trưởng và lợi nhuận có thể là quá lạc quan.
Thế giới chứng kiến quốc gia đầu tiên – Nhật Bản phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve của hãng dược phẩm Roche (Thụy Sĩ) và công ty công nghệ sinh học Mỹ Regeneron để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình.
Phân tính biến động trên thị trường, chuyên gia Stephen Innes từ công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management (Thụy Sỹ) cho biết, “thị trường vàng giảm dần do lợi suất cực thấp. Tuy nhiên, vàng cạnh tranh với đồng USD cho nhu cầu trú ẩn an toàn, do đó đà tăng giá của kim loại quý này sẽ bị hạn chế trong ngắn hạn”.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm ở gần mức thấp nhất năm tháng qua. Lợi suất trái phiếu thấp làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ vàng vốn không sinh lời. Số ca lây nhiễm Covid-19 do biến chủng nguy hiểm Delta đang tăng mạnh tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, làm dấy lên lo ngại về sự bùng phát trở lại của đại dịch, tạo ra những làn sóng lo ngại khắp các thị trường chứng khoán.
Trái ngược với sự sụt giảm mạnh trong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ, chỉ số đồng USD - thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác - đã chạm mức cao nhất trong hơn ba tháng, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Một thực tế phổ biến là giá vàng cực kỳ nhạy cảm với sự tăng hay giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm càng cao (tiền lãi trả cho người mua) càng có mối tương quan nghịch với giá vàng.
Điều này có nghĩa là khi lợi suất tăng trong các công cụ nợ của Mỹ, nó gây áp lực buộc vàng phải hạ giá. Ngược lại, khi lợi suất giảm trong các công cụ nợ của Mỹ, nó có tác động tạo ra xu hướng tăng giá cho vàng.
Theo Kinh tế chứng khoán