Những bước đi thận trọng của TP Bank trong năm 2020

NHVN 11:22 09/06/2020

Tổng Giám đốc TPBank cho biết NIM của ngân hàng sẽ mỏng hơn các năm trước do chia sẻ khó khăn với khách hàng trong đại dịch Covid-19, giảm lãi suất 0,5 - 1,5% cho hàng chục nghìn khách hàng đang vay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tính đến tháng 4 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, 2 ngành có tổng dư nợ bị ảnh hưởng hơn 1 triệu tỷ đồng là công nghiệp chế biến, chế tạo (520.000 tỷ đồng), kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng (548.000 tỷ đồng). Một số lĩnh vực khác có dư nợ lớn là nông, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm, đồ uống; dệt may, xi măng, BOT, BT giao thông, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; kinh doanh bất động sản.

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều gia đình gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra (mất việc làm, thu nhập giảm sút…) không có khả năng thanh toán tiền gốc và lãi đến hạn đối với khoản vay mua căn hộ trả góp. Nhóm tiểu thương buôn bán hàng ngày ở chợ, trung tâm thương mại… mất khả năng thanh toán với ngân hàng khi mọi hoạt động dừng lại đột ngột.

Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất 1% - 2%. Do mức độ điều chỉnh giảm của lãi suất cho vay lớn hơn lãi suất huy động, NIM được dự báo sẽ đi xuống trong năm 2020. Ảnh: TPBank.

Nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 làm giảm tỷ lệ NIM do lợi suất tài sản giảm nhiều hơn chi phí vốn. Nguyên nhân đến từ việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh nhu cầu thấp. Đồng thời, việc ngân hàng miễn giảm lãi đối với các khoản nợ hiện hữu nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp dẫn tới việc thoái thu nhập lãi, do đó làm giảm thu nhập.

Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất 1% - 2%. Do mức độ điều chỉnh giảm của lãi suất cho vay lớn hơn lãi suất huy động, NIM được dự báo sẽ đi xuống trong năm 2020. Bên cạnh đó, việc miễn giảm lãi vay sẽ tạo thêm áp lực cho NIM.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết năm 2020, NIM của ngân hàng sẽ mỏng hơn các năm trước do chia sẻ khó khăn với khách hàng trong đại dịch Covid-19 thông qua giảm lãi suất cho vay, trong khi đó, lãi suất huy động chưa giảm ngay được.

“Trước đây, NIM của Ngân hàng 3-4%, dự kiến năm nay giảm 0,5-1%”, ông Hưng tiết lộ.

Bộ phận phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) nêu quan điểm các ngân hàng theo đuổi mục tiêu quản lý tốt chất lượng tài sản có thể sẽ chứng kiến chi phí dự phòng tăng mạnh, ít nhất trong quý II hoặc 2 quý đầu năm 2020. Như vậy, sau năm 2017 - 2018 ghi nhận tăng trưởng cao, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến mức giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.

Các ngân hàng trong đó có TPBank, tại ĐHCĐ thường niên đã được cổ đông thông qua chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng khá thấp.

“Trước đại dịch Covid-19, HĐQT có tham vọng hơn nhưng trước tình hình dịch bệnh hiện vẫn có những diễn biến khó lường, HĐQT cần bảo đảm duy trì hoạt động ngân hàng, kiểm soát nợ xấu, do vậy lợi nhuận trước thuế năm 2020 chỉ tăng 5% so với năm 2019”, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết tại phiên họp thường niên.

Thực tế trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mang lại, TPBank đã nhanh chóng xác định nhiệm vụ trọng tâm là vừa phòng chống dịch, đảm bảo an toàn nhưng cũng khẩn trương tập trung triển khai các phương án kinh doanh và đưa ra các phương án hỗ trợ khách hàng phù hợp.

Những tháng qua, TPBank đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu nợ, giãn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm so với quy định từ 1,5 - 2,5% với tổng giá trị lên tới 19.500 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng đã giảm lãi suất 0,5 - 1,5% cho hàng chục nghìn khách hàng đang vay, số dư nợ được giảm lãi lên tới hơn 26.400 tỷ đồng với số tiền giảm lãi, làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, lên đến hàng trăm tỷ đồng. Song song với đó, để giúp khách hàng giảm bớt chi phí giao dịch, TPBank cũng miễn toàn bộ phí giao dịch, chuyển tiền tại quầy và trên các kênh online, VTM/ATM đối với tất cả khách hàng doanh nghiệp SME và khách hàng cá nhân.

VDSC nhận định trong bối cảnh nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn hoặc không tăng so với 2019, việc chỉ tăng lợi nhuận 5% cũng cho thấy nỗ lực của TPBank trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, VDSC cho rằng nhà đầu tư cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh khả năng khôi phục hoạt động của các ngành/doanh nghiệp sau dịch bệnh còn khó đoán định.

Theo Người đồng hành

Link gốc : https://ndh.vn/ngan-hang/tpbank-than-trong-trong-2020-1269976.html

Bạn đang đọc bài viết Những bước đi thận trọng của TP Bank trong năm 2020 tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Bên cạnh những khó khăn chung của thị trường do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đang phải trải qua quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nên việc chia cổ tức cho các cổ đông phải tạm gác lại.