Chia cổ tức ngân hàng: Cổ đông...khát!

LAO ĐỘNG 17:26 08/06/2020

Bên cạnh những khó khăn chung của thị trường do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đang phải trải qua quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nên việc chia cổ tức cho các cổ đông phải tạm gác lại.

Cổ đông của Sacombank rất bức xúc khi nhiều năm qua không được chia cổ tức. Ảnh: Internet

Mới đây tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2020, các cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) đồng loạt bức xúc về việc không được chia cổ tức.

Đã có nhiều cổ đông đặt câu hỏi, tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại "chen chân" vào việc chia cổ tức của Sacombank, thay vì chỉ giám sát, quản lý về chính sách; Sacombank khi nào thực hiện chi trả cổ tức? Có cổ đông kiến nghị Sacombank chi cổ tức động viên cho cổ đông đã gắn bó với ngân hàng từ nhiều năm qua.

Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank thì hiện nay, lợi nhuận trích quỹ đã hơn 4.000 tỉ đồng, NHNN cho phép thì mới được chia cổ tức. HĐQT cũng rất muốn được chia cổ tức, bởi nhờ đó mà cổ phiếu mới tăng giá và HĐQT mới có tiền để tiêu dùng. Sacombank sẽ tiếp tục xin NHNN chia cổ tức.

HĐQT đang ở thế “trên đe dưới búa”, HĐQT cũng chịu áp lực rất lớn, hy vọng đến năm 2023, NHNN và Sacombank sẽ không bị cổ đông chất vấn vấn đề cổ tức nữa. Trong thời gian 5 năm, hy vọng đến năm 2023 Sacombank sẽ thoát được cảnh tái cơ cấu, sẽ chia được cổ tức cho cổ đông, ông Dương Công Minh cho biết.

Cũng ở trong tình cảnh tương tự là tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra, trả lời thắc mắc của cổ đông về chia cổ tức 5% từ khoản lợi nhuận còn lại của năm 2019 (gần 900 tỉ đồng), ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cho biết, việc này là không thể khi ngân hàng chưa xử lý xong nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nợ xấu của MSB tại VAMC chỉ còn 900 tỉ đồng, đến quý 3/2020 sẽ xử lý xong, khi đó việc chia cổ tức sẽ thuận lợi.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) quỹ dự phòng của SCB đã lên đến trên 11.000 tỉ đồng, nên Ngân hàng vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm hoàn nhập dự phòng sau khi kết thúc quá trình tái cấu trúc. Hiện quá trình xử lý nợ xấu đã có cơ chế của VAMC.

Do đó trước thắc mắc của cổ đông về việc chưa chia cổ tức, tại Đại hội đồng cổ đông hôm 29.5, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết nguồn lợi tức của cổ đông mà SCB đang giữ là 1.234 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận để lại trên 700 tỉ đồng và Quỹ bổ sung vốn điều lệ là 521 tỉ đồng. Nếu SCB chia cổ tức là làm trái quy định của NHNN về việc các ngân hàng đang tái cơ cấu và chưa xử lý xong nợ xấu (trái phiếu VAMC) thì không được chia cổ tức.

Trong bối cảnh khó khăn của thị trường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới. Có thể nói đây là một sự “giải tỏa” với lãnh đạo các ngân hàng. Áp lực xử lý nợ xấu giai đoạn trước, rồi yêu cầu tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu khiến phương án chia cổ tức ngành ngân hàng trình đại hội đồng cổ đông các năm vừa qua chủ yếu là chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc thậm chí có ngân hàng không chia theo cách tính “không chia thì còn đó”.

Tuy nhiên điều này khiến nhiều cổ đông bức xúc vì đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng chỉ còn cửa chờ cổ phiếu tăng giá để hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư, còn nếu không tăng giá thì coi như của để dành vì hiệu quả tài chính ngắn hạn còn thua cả gửi tiết kiệm.

Link gốc : https://laodong.vn/kinh-te/co-dong-ngan-hang-khat-co-tuc-810848.ldo

Bạn đang đọc bài viết Chia cổ tức ngân hàng: Cổ đông...khát! tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh