Theo báo cáo của MotocyclesData, thị trường xe máy khu vực Đông Nam Á lao dốc với mức giảm 60% sản lượng trong quý 2 do tác động của Covid 19. Tính chung nửa đầu năm 2020, sản lượng xe máy bán ra giảm 60%. Các biện pháp cách ly xã hội và tạm thời đóng cửa nhà máy đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và phối, Indonesia và Philippines giảm hơn 50% sản lượng.
Số liệu cho thấy, sản lượng xe máy bán trong quý đầu năm của khu vực Asean đạt 3,42 triệu chiếc, giảm 7,4%, tuy nhiên quý thứ 2 mới thực sự chứng kiến sự sụt giảm quy mô lớn, với doanh số bán xe máy chỉ đạt 1,4 triệu chiếc (-60,4%) và nửa đầu năm 2020 đạt 4,83 triệu chiếc (giảm 33,3% cùng kỳ 2019).
Thị trường lớn nhất là Indonesia sụt giảm sản lượng 42% trong khi Philippines phá vỡ chuỗi 8 năm tăng tăng trưởng liên tiếp với sản lượng giảm 47%. Các thị trường khác như Thái Lan giảm 15,8%, Việt Nam giảm 14,8% và Malaysia giảm 27,2%, Singapore giảm 38%.
Với thị trường Việt Nam, năm 2019, Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong Asean (sau Indonesia) và đứng thứ 4 thế giới (sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia) về sản lượng tiêu thụ xe máy, tuy nhiên số xe máy bán ra năm 2019 giảm 3,7% so với kỷ lục mọi thời đại được thiết lập vào năm 2018.
Doanh số bán xe của Honda giảm mạnh trên toàn cầu
Honda hiện là hãng xe máy lớn nhất toàn cầu với 33 nhà máy đặt tại 22 quốc gia. Năm 2018, hãng này bán kỷ lục 20,9 triệu chiếc xe, năm 2020 dự kiến bán ra 18,5 triệu chiếc, giảm 10,8% so với năm 2019.
Số liệu từ Motorcycles Data cho thấy, doanh số xe máy trên toàn cầu của Honda sụt giảm tới 33% trong nửa đầu năm 2020.
Indonesia là thị trường lớn nhất của Honda trên toàn cầu. Quốc gia này chiếm 22% doanh số toàn cầu của Honda và ghi nhận mức giảm 34,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là thị trường Ấn Độ với mức giảm lên tới 47%, chiếm 18% doanh số toàn cầu.
Việt Nam cũng là 1 trong những thị trường lớn của Honda với doanh số hơn 1 triệu chiếc xe đã bán ra trong nửa đầu năm nay, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các thị trường khác như Trung Quốc giảm 8,6%, Bắc Mỹ giảm 13,5% và châu Âu là 10%.
Mỗi phút có 6 chiếc xe máy được tiêu thụ ở Việt Nam
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), 5 thành viên của VAMM bao gồm Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM đã bán ra khoảng 3,25 triệu xe trong năm 2019. Như vậy trung bình mỗi phút có 6 chiếc xe máy được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, Honda vẫn giữ ngôi vương về thị phần và bỏ xa các đối thủ còn lại khi chiếm 79% doanh số bán xe trong năm 2019, đạt 2,57 triệu xe, 4 hãng xe Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM chia nhau miếng bánh còn lại, khoảng 21%.
Ngoài ra, thị trường xe máy Việt Nam còn có sự góp mặt của các hãng như Harley-Davidson, BMW Motorrad, Ducati, Kawasaki, Triumph… tuy nhiên doanh số các hãng này không lớn. Với mảng xe máy điện, năm 2019 Vinfast cho biết đối với 4 mẫu xe máy điện: Klara, Klara S, Impes và Ludo, VinFast đã sản xuất được 45.118 xe, trong khi đơn đặt hàng lên tới 50.000 xe.
Do chiếm áp đảo về thị phần, doanh thu của Honda Việt Nam vượt 100.000 tỷ năm 2018, năm 2019 chúng tôi chưa cập nhật số liệu của Honda tuy nhiên sản lượng xe bán ra trong năm 2019 tại thị trường Việt Nam vẫn tăng trưởng, thị phần tăng 3% so với năm 2018. Biên lợi nhuận của Honda trong 2 năm 2017, 2018 đạt trên 30%. Năm 2018 Honda Việt Nam lãi trước thuế 23.448 tỷ (hơn 1 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế đạt 19.400 tỷ, bỏ xa các đối thủ còn lại. Honda Việt Nam cũng là doanh nghiệp đóng thuế thứ 2 trên cả nước, chỉ đứng sau Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Cũng cần phải nói thêm rằng kết quả kinh doanh của Honda Việt Nam bao gồm cả mảng ô tô. Năm ngoái, doanh số bán hàng ô tô của HVN đạt hơn 29.700 xe, giảm gần 8% so với kỳ trước, tuy nhiên, vẫn nằm trong TOP 3 thương hiệu chiếm thị phần cao nhất trong mảng xe du lịch.
Do thị trường Việt Nam là một trong các thị trường trọng điểm, mỗi năm Honda đều tập trung cho ra mắt các sản phẩm mới. Hai sản phẩm chiến lược hiện nay là Wave Alpha và Vision chiếm hơn 50% sản lượng tiêu thụ của Honda.
Trong khi đó, Yamaha đứng thứ hai có doanh thu năm 2019 đạt 16.870 tỷ, chỉ bằng 1/6 doanh thu của Honda, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.100 tỷ tăng nhẹ so với 2018. Yamaha nổi tiếng với các dòng xe như Exciter, Sirous, Jupiter...
Đứng thứ 3 về doanh thu là Piagio, năm 2019 đạt khoảng hơn 6.700 tỷ, tăng 13% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng hơn 700 tỷ, tăng hơn 20%.
Doanh thu của Suzuki khoảng 3.000 tỷ/năm và VMEP/SYM khoảng hơn 2.000 tỷ/năm. Trong tất cả các hãng sản xuất xe máy tại Việt Nam, duy nhất VMEP lỗ liên tục 3 năm gần đây, năm 2019 lỗ gần 300 tỷ.
Về quy mô, tổng tài sản của Honda tại thị trường Việt Nam hơn 40.000 tỷ, vốn chủ sở hữu hơn 20.000 tỷ. Honda đã xây dựng hệ thống phân phối hơn 800 cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda uỷ nhiệm trên khắp Việt Nam và 107 trung tâm bảo dưỡng. Trong khi các hãng khác, tổng tài sản chỉ vài ngàn tỷ như Yamaha hơn 6.300 tỷ, Piagio hơn 3.700 tỷ, VMEP hơn 2.700 tỷ.
Dự báo trong thời gian tới đây, nhiều khả năng Việt Nam sẽ vào Top 3 thị trường xe máy lớn nhất thế giới, khi mà ở các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, đang ngày càng hạn chế loại phương tiện hai bánh này. Do đó, thị trường xe máy vẫn là mảnh đất màu mỡ để các hãng đầu tư. Tân binh mới tham gia thị trường xe máy điện là Vinfast cho biết công suất thiết kế giai đoạn 1 của nhà máy sản xuất xe máy điện là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm và có thể mở rộng tới 1 triệu xe/năm, nhằm mục tiêu trở thành cơ sở sản xuất xe máy điện hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, tham vọng của Honda vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam.