Ngân hàng thi nhau nới room

vnfinance 11:13 06/09/2020

Nợ xấu tăng, tín dụng chậm, ngân hàng vẫn "thi nhau" nới room liệu có như kỳ vọng?

Tín dụng chậm, nợ xấu tăng khiến lợi nhuận dự báo giảm trong nửa cuối năm 2020

Theo SSI Research, tính đến cuối tháng 7, tổng tín dụng tăng 3,7%, so với mức 3,65% trong 6 tháng đầu năm và bằng một nửa cùng kỳ năm trước (khoảng 7,5%). SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ trong khoảng 7,5- 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của NHNN là 11-14%.

Trong khi tín dụng tăng chậm, nợ xấu của ngân hàng lại có xu hướng tăng, đó là chưa kể các khoản nợ xấu “chưa được che dấu” bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, kienlongbank là một điểm nhấn đáng chú ý khi là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất và dẫn đầu về tốc độ tăng nợ xấu. Số dư nợ xấu của ngân hàng này đã tăng vọt lên 2.249 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cuối năm trước với phần lớn là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5: 2.145 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,02% lên 6,59%.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,75% lên 2%.

Một số ngân hàng khác như NamABank, ACB,… cũng ghi nhận nợ xấu tăng trên 30% trong nửa đầu năm 2020.

Trong kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm nay sẽ lên mức 2,41%.

Chính các yếu tố trên sẽ tác động lên lợi nhuận ngân hàng do phải tăng dự phòng rủi ro và thực tế dự phòng rủi ro đã “ăn” mòn lợi nhuận nhà băng trong nửa đầu năm nay. Vì vậy, SSI Research nghiêng về kịch bản ngành ngân hàng trong những tháng còn lại của năm 2020 không mấy khả quan bởi nhiều yếu tố tác động. SI Research ước tính tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong nửa cuối năm giảm 22,1% so với cùng kỳ 2019.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV và VietinBank) ước tính giảm 36%, chủ yếu do chi phí dự phòng tăng 59% trong nửa cuối năm 2020.

Ngân hàng vẫn xin nới room bất chấp tín dụng tăng chậm

Mới đây, loạt ngân hàng đã được NHNN cho phép nâng room tín dụng, dù dư nợ toàn ngành ngân hàng tăng trưởng chậm từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Techcombak được nâng room tín dụng tới 19 - 23%; MB cũng được điều chỉnh room tín dụng từ 11,75% lên 20%; VIB được nới lên 12,5% so với hạn mức ban đầu, trong khi TPBank được tăng room lên 11,5%.

Theo tìm hiểu, 6 tháng đầu năm 2020, chất lượng tín dụng tại MB, VIB, TPBank đều không khả quan.

Cụ thể, tổng nợ xấu của mb tăng 23% so với đầu năm, lên mức 3.577 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng vọt 174% so với đầu năm, ở mức 1.694 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,16% lên mức 1,37%.

Tại TPBank, tổng nợ xấu tăng 20% so với đầu năm, lên mức 1.477 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,29% lên mức 1,47%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng vọt 47% so với đầu năm, ở mức 708 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 22%, lên mức 371 tỷ đồng.

Tại VIB, đến cuối tháng 6/2020 tổng nợ xấu tăng 29%, ở mức 3.267 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 13% lên 1.979 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,96% lên 2,3%.

Đáng chú ý, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, ACB và Eximbank không được nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng bởi so khối cổ phần của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước vẫn còn dư địa khá lớn để tăng trưởng tín dụng.

6 tháng đầu năm, nhu cầu tín dụng rất yếu.Tính đến ngày 30/6/2020, tín dụng tăng trưởng 3,26% so với đầu năm, nhưng đây cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây và đến gần cuối tháng 7 vẫn thấp khi mức tăng chưa tới 4%, chưa bằng một nửa so cùng kỳ.

Giới phân tích tài chính cho rằng, các ngân hàng có thể không dùng hết phần “room” được NHNN nới thêm. Kể cả trong mùa cao điểm cuối năm nay vẫn khó kích cầu tín dụng. Vì vậy, việc các ngân hàng xin nới room tín dụng để đón đầu nhu cầu vốn tăng cuối năm nay được cho là sẽ khó đáp ứng được như kỳ vọng

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng thi nhau nới room tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh