"Phân mảnh" (fragmented) là từ ông Marcin Miller - Giám đốc Hợp danh McKinsey & Company – nói về thị trường ví điện tử tại Việt Nam tại buổi tọa đàm với chủ đề "Công nghệ Tài chính và Thanh toán tại ASEAN", thuộc khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS).
Thị trường ví điện tử Việt Nam vài ba năm tới sẽ ra sao? Khả năng sáp nhập thế nào?... là những câu hỏi Giám đốc Hợp danh McKinsey & Company – trong vai trò người điều phối – gửi tới ông Nguyễn Bá Diệp – Đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch ví điện tử MoMo.
Ông Diệp cho biết khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường ví điện tử . Trước dịch, Ví MoMo có 10 triệu khách hàng và chỉ trong thời gian ngắn sau đó, nền tảng này tiếp cận thêm được 10 triệu khách hàng nữa.
Về thị trường thanh toán, hiện Việt Nam có 39 tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
"Trong đó, 5 ví lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch. Theo quan điểm của tôi, tại một thị trường như Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu, trong vòng 3 - 5 năm tới sẽ chỉ còn 2 - 3 ví có thể tồn tại được. Những ví nhỏ sẽ phải tìm thị trường rất riêng biệt, nhỏ hơn để tồn tại", ông Diệp nhìn nhận.
Chia sẻ quan điểm đối ngược, ông Trần Thanh Nam – Đồng sáng lập ví điện tử Moca – cho rằng thị trường thanh toán điện tử phân mảnh nhưng rất khổng lồ. Với dân số 100 triệu dân và nền kinh tế tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, mức độ phát triển của Fintech nói chung và thanh toán điện tử (e-payment) nói riêng vẫn khá thấp.
"Đối thủ chính và lớn nhất với chúng tôi không phải những người ngồi đây hôm nay, mà là tiền mặt", ông Nam nói.
Thói quen người dùng là một thách thức lớn bên cạnh các thách thức về công nghệ và nhân lực. Thời gian để thay đổi thói quen của người dùng trên phương diện thanh toán, sếp Moca cho rằng sẽ rất nhanh.
Ông Nam dẫn chứng 2 ví dụ cho sự thay đổi hành vi người dùng nhanh chóng là việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông (thay đổi nhờ nỗ lực từ phía Chính phủ) và việc sử dụng điện thoại gọi xe, hay đặt đồ ăn (thay đổi được tạo ra từ những startup như Uber, Grab, Now và những tay chơi khác).
"Quá trình thay đổi có thể rất nhanh. Năm gần đây, chúng tôi đạt 2,5 triệu users, cao hơn số của 5 năm trước cộng lại. Trên bình diện chung của thị trường, tỷ lệ sử dụng e-payment/tiền mặt là 5%, trên app Grab, tỷ lệ sử dụng Moca là 43%. GrabMart – một dịch vụ khá mới được mở ra trong Covid-19, thì 70% giao dịch được thanh toán qua Moca".
"Những con số trên khích lệ chúng tôi rất nhiều. Và chứng minh rằng quá trình thay đổi có thể diễn biến rất nhanh", đồng sáng lập Moca cho biết.