Sau khi bà Hợp mua, khu đất được chủ cũ cắm bảng “đang tranh chấp”. (Ảnh: Bùi Yên) |
Cùng 1 thửa đất, người được sang tên, người thì không
Cuối tháng 10/2023, bà Hợp được giới thiệu mua khu đất trồng cây lâu năm, thửa 536, tờ bản đồ 37, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Môi giới cho bà xem sổ đỏ đứng tên ông Nguyễn Tấn Kiệt (SN 1975, ngụ xã Bình Mỹ) vào ngày 25/10/2023 và ủy quyền toàn quyền cho ông Trần Đức Phổ (SN 1979, ngụ xã Đông Thạnh) thực hiện giao dịch.
Ngày 7/11/2023, bà Hợp ký hợp đồng mua bán đất với ông Phổ tại Văn phòng Công chứng (VPCC) Ninh Thị Hiền (quận Tân Bình). Bà Hợp chuyển đủ tiền cho ông Phổ, nhận sổ đỏ, các chứng từ đóng thuế về việc sang tên từ chủ cũ cho ông Kiệt, hợp đồng ủy quyền.
Ngày 8/11/2023, bà Hợp nộp hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Củ Chi (VPĐKĐĐ) làm thủ tục sang tên, nhưng bị từ chối nhận vì cho rằng nhận đơn ngăn chặn từ bà Trương Thị Tuyết Nhung từ 28/8/2023, kèm giấy xác nhận nhận đơn khởi kiện cùng ngày của TAND Củ Chi.
Ngày 10/11/2023, bà Hợp tiếp tục nộp hồ sơ và được nhận. Nhưng đến 14/11, VPĐKĐĐ trả hồ sơ, cho rằng ngày 24/10/2023, TAND huyện đã thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng ủy quyền” giữa vợ chồng ông Trương Minh Phụng - bà Trương Thị Xinh (chủ đất cũ) với ông Võ Đăng Khoa (SN 1988, quê Trà Vinh), vì vậy VPĐKĐĐ không có cơ sở giải quyết, nên trả hồ sơ. VPĐKĐĐ viện dẫn điểm đ khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT để từ chối đăng ký biến động cho bà Hợp.
Văn bản VPĐKĐĐ trả lời bà Hợp. (Ảnh: Bùi Yên) |
Theo đơn khởi kiện ngày 28/8/2023, ông Phụng, bà Xinh ủy quyền toàn quyền thửa đất cho con gái là bà Nhung. Ngày 6/4/2023, bà Nhung vay 1 tỷ đồng của ông Khoa và phải ký hợp đồng ủy quyền, giao sổ đỏ khu đất để bảo đảm khoản vay. Sau đó, ông Khoa bán đất cho ông Kiệt, rồi ông Kiệt bán cho bà Hợp.
Bà Hợp nói: “Từ 28/8/2023, VPĐKĐĐ đã biết có tranh chấp và tòa đã nhận đơn khởi kiện. Ngày 24/10/2023, tòa có thông báo thụ lý vụ án. Nhưng ngày 25/10/2023, VPĐKĐĐ vẫn đăng ký biến động, sang tên cho ông Kiệt. Cùng 1 khu đất trong tình trạng bị tranh chấp, nhưng VPĐKĐĐ lại cho ông Kiệt được sang tên, còn chúng tôi thì không. Việc VPĐKĐĐ sang tên cho ông Kiệt chưa đúng quy định, đã đẩy tôi vào cảnh nguy cơ mất số tiền lớn”.
Luật sư: “Thanh tra Sở TN&MT cần vào cuộc”
Trả lời PLVN, ông Lâm Chí Cao (địa chính viên VPĐKĐĐ, được GĐ Chi nhánh VPĐKĐĐ Củ Chi chỉ định trả lời) cho biết: Ngày 28/8/2023, VPĐKĐĐ nhận được đơn ngăn chặn của ông Phụng, bà Xinh, kèm giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện của TAND huyện. “Nhưng đây không phải là căn cứ để ngăn chặn việc sang tên. Ngày 5/10/2023, VPĐKĐĐ nhận được hồ sơ đăng ký biến động của ông Kiệt, thời hạn trả kết quả là 19/10/2023”, ông Cao nói.
“VPĐKĐĐ đã mời ông Phụng, bà Xinh đến làm việc, yêu cầu cung cấp các văn bản của tòa về tranh chấp. Nếu đến 20/10/2023 không cung cấp được văn bản là căn cứ để ngăn chặn thì chúng tôi vẫn thực hiện hồ sơ cho ông Kiệt. Sau ngày 20/10, họ không cung cấp được nên VPĐKĐĐ tiếp tục các thủ tục. Ngày 24/10, ông Kiệt có đơn kiến nghị yêu cầu giải quyết hồ sơ vì đã quá hạn theo phiếu hẹn. Do không có cơ sở từ chối hồ sơ và ngày 25/10 ông Kiệt thực hiện đầy đủ các khoản thuế nên VPĐKĐĐ cập nhật sang tên cho ông Kiệt”, ông Cao nói.
Theo ông Cao, dù ngày 24/10/2023 TAND huyện có thông báo thụ lý vụ án, nhưng VPĐKĐĐ chưa nhận được, nên không có cơ sở tạm dừng đăng ký biến động cho ông Kiệt.
Ngày 3/11/2023, ông Cao nhận được thông báo thụ lý của TAND huyện qua Zalo bà Nhung. Ngày 8/11/2023 (cùng ngày bà Hợp nộp hồ sơ đề nghị sang tên cho khu đất - NV), VPĐKĐĐ nhận được đơn ngăn chặn của ông Phụng, bà Xinh, kèm thông báo thụ lý của tòa và đây là căn cứ để từ chối sang tên với bà Hợp.
Theo LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM): “Điểm đ khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT (là căn cứ mà VPĐKĐĐ từ chối sang tên cho bà Hợp - NV) nêu rõ một trong các căn cứ pháp lý để từ chối sang tên là “khi nhận được văn bản của cơ quan thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất”. Việc VPĐKĐĐ hiểu “tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp” là văn bản thụ lý vụ án của tòa là chưa phù hợp. Bởi theo Điều 203 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là TAND, UBND các cấp, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Theo tôi, phải hiểu “tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp” phải là khi có giấy xác nhận, biên nhận đã nhận đơn khởi kiện của tòa hoặc đã nhận đơn khiếu nại, tố cáo của UBND các cấp về tranh chấp đất đai”.
“Ngày 28/8, VPĐKĐĐ đã nhận được đơn ngăn chặn của ông Phụng, bà Xinh, kèm giấy xác nhận đơn khởi kiện của tòa, thì VPĐKĐĐ phải từ chối đăng ký biến động cho ông Kiệt. Bà Hợp cần đề nghị Thanh tra Sở TN&MT vào cuộc xác định rõ VPĐKĐĐ sang tên cho ông Kiệt có đúng hay không”, LS Tuấn nói.
Theo LS Tuấn, người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp sổ đỏ trái pháp luật sẽ bị xử lý theo Điều 206, 207 Luật Đất đai 2013; tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự về các tội danh tương ứng hành vi. Về thiệt hại do hành vi cấp sổ đỏ trái luật, sẽ được giải quyết bằng bản án, quyết định của tòa án.
Về phía bà Hợp, cho biết đã có đơn đến Công an huyện Củ Chi và Công an TP HCM để đề nghị làm rõ có hay không dấu hiệu của hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà bà là nạn nhân.
Theo báo Pháp Luật Việt Nam