Cụ thể theo HoREA, trong các năm qua nhiều khu đất sạch thuộc Nhà nước quản lý được quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, nhưng không được đưa vào sử dụng, để hoang hóa rất lãng phí, trong lúc rất thiếu nhà ở xã hội, mà nguyên nhân là chưa xây dựng được cơ chế, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có phương thức đấu thầu.
Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét các tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, đối với trường hợp đã có quỹ đất sạch thuộc Nhà nước quản lý, được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Về tiêu chí về vốn đầu tư, theo pháp luật nhà ở, Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT để cho thuê, cho thuê mua. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn tín dụng ưu đãi.
Trên thực tế, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, và cũng chưa được vay vốn ưu đãi tại các Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank. Do Nhà nước chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách nhà nước, hoặc cấp bù lãi suất. Nên các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải tự chuẩn bị nguồn vốn đầu tư, hoặc vay ngân hàng với lãi suất thương mại. Đối với trường hợp dự án nhà ở xã hội không được bố trí đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, mà đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư, thì tiêu chí về vốn đầu tư cũng là một tiêu chí để đánh giá năng lực của nhà đầu tư.
Tiêu chí về lợi nhuận định mức, Khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng mức đầu tư. Do vậy, các nhà đầu tư dự thầu có thể cạnh tranh bằng cách giảm lợi nhuận định mức.
Về mức hưởng ưu đãi về thuế, về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật: Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, các nhà đầu tư dự thầu có thể cạnh tranh bằng cách giảm mức hưởng ưu đãi về thuế, giảm mức Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống đầu tư hạ tầng kỹ thuật khi tham gia đấu thầu.
Nhiều dự án NƠXH gặp khó trong tiếp cận vốn (Ảnh minh họa) |
“Tại khoản (1.b) và Khoản (1.c) Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích đất trong dự án nhà ở xã hội, để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại, nhà ở thương mại; hoặc được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.
Do vậy, các nhà đầu tư dự thầu có thể cạnh tranh bằng cách giảm tỷ lệ diện tích đất hoặc diện tích sàn nhà ở để bán theo giá kinh doanh thương mại” - HoREA nhấn mạnh.
HoREA cũng đưa ra ý kiến, hiện nay, đang rất thiếu nhà ở xã hội cho thuê và cũng rất cần thiết khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội cho thuê với kỳ hạn dài, thay vì chỉ tập trung vào phương thức mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Thời gian thu hồi vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê khoảng trên dưới 20 năm. Do vậy, tiêu chí về thời hạn cho thuê, tỷ lệ sản phẩm nhà ở xã hội cho thuê của dự án cũng là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có năng lực sẽ đưa ra mức giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội tốt nhất, thuận lợi nhất cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong Quý I/2021, theo số liệu tổng hợp từ 54/63 địa phương có báo cáo, có 02 dự án với 595 căn được cấp phép mới; 72 dự án với 105.971 căn đang triển khai; 6 dự án với 630 căn hoàn thành; 11 dự án với 3.606 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.