Từ đầu tháng 10 tới nay, chứng khoán không ghi nhận phiên giao dịch nào có tổng thanh khoản vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Thị trường có nhiều phiên "ru ngủ" nhà đầu tư khi dòng tiền tham gia nhỏ giọt, hiếm xuất hiện nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt và tạo xu hướng lâu dài.
Thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, thanh khoản bình quân trên sàn HoSE trong quý III chỉ đạt 14.157 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 20% so với quý trước đó. Mức này cũng thấp nhất kể từ quý II/2023. Chỉ tính khớp lệnh, có hơn 83% lượng cổ phiếu ghi nhận sụt giảm về thanh khoản trung bình.
Chứng khoán lình xình với tâm lý bên mua giao dịch chủ yếu để thăm dò, trong khi bên bán chưa tìm được lý do để chốt lời một cách ồ ạt. Do đó, nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài thị trường, thậm chí tắt ứng dụng, không quan tâm bảng điện.
Khảo sát của VnExpress với gần 3.000 độc giả từ ngày 12-16/11 cho thấy, hơn 41% người được hỏi cho biết họ không có tiền đầu tư. Với những ai đang cầm vốn trong tay, câu trả lời phổ biến nhất là chưa nhìn thấy cơ hội hấp dẫn với gần 700 câu trả lời.
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cho rằng bên cạnh các câu chuyện triển vọng, thị trường vẫn có những yếu tố gây mất điểm trong mắt các nhà đầu tư gồm xu hướng bán ròng liên tục của khối ngoại, các rủi ro địa chính trị, e ngại về nợ xấu của hệ thống ngân hàng và sự hấp dẫn hơn của các kênh đầu tư khác.
Tính từ tháng 4/2023 đến nay, khối ngoại đã bán ròng 19 trên 20 tháng với tổng giá trị khoảng 4,4 tỷ USD khi tỷ giá leo thang và chênh lệch lãi suất USD - VND nới rộng bởi chính sách tiền tệ trái chiều giữa Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, việc liên tục lỡ hẹn với nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi cũng khiến cho Việt Nam giảm sức hút. Trong bối cảnh rủi ro gia tăng và mặt bằng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới còn ở mức cao, dòng vốn sẽ có xu hướng "risk-off" (tức rủi ro được cảm nhận ở mức cao), từ đó bán ròng khỏi các tài sản rủi ro hay các thị trường cận biên như Việt Nam.
Thêm vào đó, bà Liên cho rằng việc ông Donald Trump đắc cử cũng có thể gây các ảnh hưởng trái chiều đến triển vọng kinh tế - chính trị của Việt Nam trong 4 năm tới. Bởi cách thức điều hành của ông Trump được cho là khó đoán và tập trung vào lợi ích của nước Mỹ, vì vậy ảnh hưởng không chỉ đến thương mại mà còn các chính sách tiền tệ và tài khóa khác của Việt Nam.
"Các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm, vàng và bất động sản đã nóng lên từ đầu quý III đến nay, khiến nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn, làm cho chứng khoán trở nên kém hấp dẫn", chuyên gia nói thêm.
Góc nhìn tương tự cũng được nhóm phân tích của SGI Capital, công ty quản lý quỹ The Ballad Fund, nêu trong báo cáo mới đây. Họ quan sát thấy dòng tiền trong nước sau nhiều tháng không có lãi đang tiếp tục xu hướng rút ra để chuyển qua kênh bất động sản. Khoảng 12% độc giả tham gia khảo sát của VnExpress cũng cho biết họ đang chuyển từ chứng khoán sang các kênh đầu tư khác.
"Những cơ hội phân hóa đơn lẻ vẫn đang diễn ra nhưng ở quy mô và số lượng hạn hẹp không thay đổi bối cảnh khó kiếm tiền của chứng khoán đã kéo dài 6 tháng qua", SGI Capital nêu quan điểm.
Khó kiếm lời cũng là lý do phổ biến không kém với độc giả VnExpress khi được hỏi vì sao đứng ngoài thị trường. Khoảng 685 người cho biết danh mục đầu tư của họ đang thua lỗ mặc dù VN-Index đã tăng gần 14% tính từ đầu năm đến hết quý III và khoảng 7,8% nếu tính đến phiên cuối tuần trước.
Trưởng phòng Phân tích PHS giải thích mức tăng trưởng hai con số của VN-Index tính từ đầu năm chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong quý 1 (tăng 13,6%). Trong khi đó, tính từ đầu quý II đến nay, thực tế chỉ số này đang ghi nhận hiệu suất âm 3% với diễn biến sideway (xu hướng đi ngang) biên độ rộng khi liên tục kiểm tra đỉnh 1.300 điểm thất bại.
Theo số liệu của PHS đến cuối quý III, dư nợ cho vay margin của thị trường vẫn đang ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đã và đang có xu hướng giảm dần sau khi lập đỉnh vào quý I. Điều này cho thấy rằng nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy nhiều hơn. Trong trường hợp họ tham gia mua đuổi tại vùng kháng cự 1.300 điểm và kết hợp sử dụng đòn bẩy, khả năng thua lỗ nặng là điều có thể xảy ra.
Nhóm phân tích của SGI Capital cũng ghi nhận áp lực rút vốn khiến số dư tiền mặt giảm hai quý liên tiếp và margin tăng lên mức kỷ lục. Cụ thể, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán đến cuối quý III đạt khoảng 236.378 tỷ, tích thêm gần 9.100 tỷ so với quý II và đã tăng suốt 6 quý qua. Trong khi đó, số dư tiền gửi trong tài khoản các nhà đầu tư giảm gần 3.800 tỷ, quý thứ hai liên tiếp, về khoảng 91.594 tỷ đồng. SGI Capital cho rằng, điều này tiềm ẩn rủi ro cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên ở góc nhìn tích cực, công ty quản lý quỹ này cho rằng quá trình các rủi ro tiềm ẩn bộc lộ sẽ dẫn tới các nhịp điều chỉnh cần thiết và rồi sẽ giảm bớt rủi ro cho chứng khoán. Từ đó, thị trường có thể tạo ra nhiều cơ hội đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền quay trở lại.
Bà Mỹ Liên cũng nghĩ dấu hiệu rõ nhất trong thời gian tới là cải thiện về mặt thanh khoản, đồng nghĩa với việc dòng tiền quay trở lại và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện. Đây sẽ trở thành lực đỡ rất lớn khi mặt bằng định giá của nhiều cổ phiếu vẫn đang ở vùng khá thấp. Nếu thanh khoản cải thiện cùng lúc với việc khối ngoại ngưng bán ròng và chuyển sang mua trở lại, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc xem như một chỉ báo tốt.
Theo Vnexpress