Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 4/9 có sự rung lắc rất mạnh. Ngay từ đầu phiên giao dịch, áp lực bán mạnh đã xảy ra và kéo các chỉ số lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu.
Tâm lý nhà đầu tư thời điểm đầu phiên chịu tác động từ diễn biến xấu của thị trường chứng khoán Mỹ. Dow Jones phiên 3/9 giảm 807,77 điểm, tương đương 2,78%, xuống 28.292,73 điểm. S&P 500 giảm 125,78 điểm, tương đương 3,51%, xuống 3.455,06 điểm. Nasdaq giảm 598,34 điểm, tương đương 4,96%, xuống 11.458,1 điểm.
Tuy nhiên, lực cầu dần dâng cao khiến nhiều cổ phiếu trụ cột hồi phục và điều này giúp chỉ số chính VN-Index thu hẹp đáng kể đà giảm còn HNX-Index đảo chiều tăng điểm trở lại.
Các cổ phiếu như MSN, VCG, VCS, SSI, VNM, CTG hay CTD đều đồng loạt tăng giá và góp phần nâng đỡ thị trường chung. Trong đó, VCG tăng đến 2,2% lên 36.800 đồng/cp, VCS tăng 3,7% lên 67.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu họ "Vin" vẫn biến động khá tích cực khi VRE tăng 1,4% lên 28.500 đồng/cp, VHM tăng 0,5% lên 80.000 đồng/cp, còn VIC chỉ giảm nhẹ 0,5% xuống 94.000 đồng/cp.
Các cổ phiếu gây áp lực mạnh lên thị trường chung phiên cuối tuần có KDC, GAS, ACV, VCB, PNJ, VPB… Trong đó, KDC giảm sâu 2% xuống 34.500 đồng/cp, GAS giảm 1,6% xuống 74.600 đồng/cp, ACV giảm 1,5% xuống 57.800 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu bất động sản gây ấn tượng khi ghi nhận nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ tăng trần như NTB, PPI, HTT, PFL, OCH, PVR, PVL, OGC hay CLG. Bên cạnh đó, VCR tiếp tục tăng đến 12,4% lên 25.400 đồng/cp, PXL tăng 4,8% lên 10.900 đồng/cp, PDR tăng 4,1% lên 30.500 đồng/cp, HDG tăng 3,2% lên 22.850 đồng/cp…
Ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản khác lại diễn biến khá xấu theo thị trường chung, trong đó, HAR giảm 3,6%, TDH giảm 2,5%, FLC giảm 2,5%, IDJ giảm 1,9%, KOS giảm 1,9%...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,43 điểm (-0,27%) xuống 901,54 điểm. Toàn sàn có 146 mã tăng, 267 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,1 điểm (0,08%) lên 126,15 điểm. Toàn sàn có 82 mã tăng, 77 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,12%) xuống 58,89 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 436 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch hơn 7.700 tỷ đồng. Chỉ có 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là HQC và ITA, trong đó, HQC khớp lệnh 9,5 triệu cổ phiếu còn ITA là 8 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch không quá tiêu cực khi chỉ bán ròng hơn 23 tỷ đồng, riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 15 tỷ đồng.
Trong khi đó, VRE là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh với 32,5 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác là DXG cũng được mua ròng mạnh với 3,8 tỷ đồng.
Không chỉ Việt Nam, thị trường chứng khoán châu Á cũng có một phiên giao dịch tiêu cực khi chỉ số ASX 200 của Australia mất 3%. Thị trường Trung Quốc cũng giảm khá sâu với Shanghai Composite giảm 0,87%, Shenzhen Component giảm 0,84%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,25%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,15%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,11%, Topix giảm 0,9%.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng điểm tuần thứ sáu liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 22,56 điểm (2,57%) lên 901,54 điểm; HNX-Index tăng 0,31 điểm (0,25%) lên 126,15 điểm. Thanh khoản trung bình giảm nhẹ so với tuần trước đó khoảng 6.936 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn niêm yết do chỉ giao dịch 4 ngày trong tuần.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua được ngưỡng kháng cự quan trọng quanh 870 điểm (MA200), qua đó mở ra dư địa tăng tiếp theo lên đỉnh cũ cao nhất tháng 6/2020 là 905,65; đồng thời là đường xu hướng (trendline) nối các đỉnh cao nhất tháng 11/2019 là 1.027,97 và đỉnh cao nhất tháng 1/2020 là 991,46.
Ngắn hạn VN-Index dưới ảnh hưởng tích cực của VN30 đã đi vào vùng quá mua, do đó dòng tiền suy yếu ở nhiều mã thể hiện qua khối lượng giao dịch giảm. Nhiều mã chịu áp lực chốt lãi ngắn hạn sau thời gian dài tăng điểm trong 6 tuần liên tiếp.
SHS dự báo trong tuần tiếp theo, VN-Index sẽ tiếp tục rung lắc tích lũy, phân hóa trong vùng 900 - 905 và dần tạo đỉnh ngắn hạn ở nhiều mã.
Vì vậy, nhà đầu tư cần tiếp tục đánh giá, rà soát lại danh mục cổ phiếu đầu tư nếu có; xem xét cơ cấu danh mục, hạ tỷ trọng các mã yếu kém, thực hiện hóa lợi nhuận và chốt NAV quý III riêng lẻ từng mã khi thị trường VN-Index tiếp tục tăng điểm trong tuần tiếp theo.