(Ảnh minh họa) |
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 339 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Ðây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây khi nhiều đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu sụt giảm.
Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cũng như các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ… và một số thị trường châu Á chưa thể liên thông như trước đây, quá trình lưu thông hàng hoá sẽ còn bị đứt quãng. Ðó là chưa kể nếu lưu thông được cũng sẽ phải chịu thêm các chi phí vệ sinh, khử trùng khi nhập cảnh ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Diễn biến trên đang và sẽ ngấm dần vào hiệu quả doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành cảng biển mới chịu tác động nhẹ, do lượng hàng hoá thông quan vẫn tăng, chỉ là tăng với tốc độ thấp hơn những năm trước đó.
Trong các doanh nghiệp niêm yết như Công ty Cổ phần Ðầu tư và phát triển Cảng Ðình Vũ (DVP), Công ty Cổ phần Ðại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL), Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng (PHP), Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (SGP), Công ty Cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH), Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam (STG), Công ty Cổ phần Transimex (TMS)… thì chỉ có STG giảm mạnh kết quả 6 tháng.
Các doanh nghiệp khác có kết quả kinh doanh giảm nhẹ hoặc tăng trưởng nhẹ (xem bảng). Với diễn biến dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, khả năng hiệu quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này sẽ kém khả quan trong 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, điểm tích cực là nhiều doanh nghiệp trong nhóm cảng biển là có lượng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn tương đối lớn, vay nợ thấp.
Chẳng hạn, tại DVP, công ty có tới 920,7 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 66,2% tổng tài sản và đặc biệt không vay nợ. Tại PHP, doanh nghiệp sở hữu 2,571,7 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 44,7% tổng tài sản của doanh nghiệp và vay nợ là 708,2 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng nguồn vốn.
Như vậy, doanh nghiệp vẫn có lượng tiền ròng là 1.863,3 tỷ đồng. Tại TCL, doanh nghiệp sở hữu 287,2 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 26,5% tổng tài sản. Trong khi đó, vay nợ là 40,2 tỷ đồng, tiền ròng là 247 tỷ đồng…
Trong nhóm này, chỉ có hai doanh nghiệp có vay nợ ròng. Cụ thể, TMS có lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 603,3 tỷ đồng, chiếm 16% tổng tài sản, nhưng vay nợ là 957,3 tỷ đồng. HAH có 316,1 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 16,2% tổng tài sản, nhưng vay nợ ròng là 95,8 tỷ đồng.
Với đặc thù ngành cảng biển là phí bốc dỡ hàng hoá, cũng như cho thuê chỗ lưu kho là nguồn chính, khi nền kinh tế trở lại trạng thái giao thương bình thường, những doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn, vay nợ thấp có khả năng nhanh chóng khôi phục lại hoạt động cũng như hiệu quả kinh doanh.
Nếu mua cổ phiếu doanh nghiệp cảng biển lúc này, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với mùa công bố kinh doanh cuối năm không khả quan.
Tuy nhiên, loại doanh nghiệp này có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, ngành nghề kinh doanh và có cơ hội phát triển trong dài hạn khi các hiệp định thương mại và đầu tư của Việt Nam với quốc tế được thực hiện. Theo đó, thị trường khó chính là lúc cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn mở ra, để chọn lựa cổ phiếu giá tốt so với tiềm lực và nội lực của các doanh nghiệp trong ngành.
Theo Vietnamfinance