Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó quy định các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm cảnh cáo và phạt tiền.
Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức vi phạm là 3 tỷ đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1,5 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng thông tin nội bộ và thao túng thị trường chứng khoán, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức vi phạm là 10 lần khoản thu trái pháp luật, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 5 lần khoản thu trái pháp luật.
Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Mức phạt được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Ngoài ra, còn có hình thức phạt là tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng.
Riêng về hình thức xử phạt bổ sung, dự thảo Nghị định nêu rõ sẽ đình chỉ từ 01 tháng đến 24 tháng đối với: hoạt động chào mua công khai; hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán; hoạt động văn phòng đại diện; hoạt động lưu ký, bù trừ; hoạt động giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán hoặc các hoạt động khác được ghi trong quyết định xử phạt.
Ngoài ra, sẽ tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng. Hoặc tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, dự thảo quy định, phạt tiền từ 2 - 3 tỷ đồng đồng đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán quy định tại Khoản 3 Điều 13 Luật Chứng khoán, là một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật: Thứ nhất, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo. Thứ hai, một người hay một nhóm người thông đồng với nhau đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo. Thứ ba, liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường. Thứ tư, giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán. Thứ năm, đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó. Thứ sáu, sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại Khoản 1 Điều 31 dự thảo Nghị định đối với hành vi vi phạm quy định các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều 31 trong trường hợp có khoản thu trái pháp luật mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Tài chính doanh nghiệp